Lao công - những người ngược bước dòng đời

13:53 Posted by Duy Trung
Một buổi chiều ngồi trà đá ở gần trường Đại học Thương Mại, bắt gặp một hình ảnh rất đỗi bình thường thôi, nhưng lại gây ấn tượng rất sâu sắc với tôi - một cô lao công đẩy xe chở rác làm nhiệm vụ quen thuộc của mình. Và không ngại ngần, tôi đã lưu lại khoảnh khắc đó bằng cái camera của điện thoại mà tôi chưa bao giờ dùng đến.



Trong khi đa phần mọi người đang trên đường về nhà, đang nghĩ đến bữa cơm ngon lành, đang nghĩ đến những giờ nghỉ ngơi, nghĩ đến chiếc ti vi, chiếc tủ lạnh, chiếc máy tính thì thứ mà người đó nghĩ được chắc chỉ có thể là công việc, là những khó khăn, là ngôi nhà và những đứa con đang chờ họ khi màn đêm buông xuống.


Ai cũng thích đi trên những con đường, những ngõ phố sạch sẽ, ai cũng không muốn mình tiếp xúc với những thứ rác rưởi, bẩn thỉu. Nhưng những thứ rác rưởi, những thứ bẩn thỉu đó vẫn được sinh ra hàng ngày. Và người lao công là những người phải làm việc đó. Họ chấp nhận phải tiếp xúc với những thứ hôi thối và đôi khi là cả những mầm bệnh để cho những con phố, những đoạn đường được sạch sẽ.

Tất nhiên, họ cũng chẳng cao cả đến mức tự nguyện làm việc đó, họ làm việc đó cũng chỉ là vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống của họ. Nhưng thử hỏi trong số chúng ta, có ai làm việc mà không vì đồng tiền, không vì miếng cơm manh áo? Tôi nghĩ là có, nhưng ít thôi và những người đó cũng có việc khác để kiếm tiền, kiếm miếng cơm rồi. Thậm chí có những kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ danh dự, làm biết bao việc vô đạo đức  và còn cả những kẻ luồn cúi, nịnh hót, dối trá. Những kẻ đó, vì công danh, vì tiền bạc đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người. Ấy vậy mà nhiều kẻ trong đó vẫn nhởn nhơ, ngoài vòng pháp luật và ngoài vòng đạo đức. Trong số những kẻ đó, còn không ít kẻ vẫn được người khác tung hô, vẫn được nể nang, được coi trọng.Vậy, công bằng ở đâu khi những con người nhỏ bé kia, những con người chấp nhận làm việc với rác thải, với bụi bẩn đôi lúc còn bị nhìn với con mắt khinh bỉ của xã hội như những con người hèn kém. Công bằng ở đâu khi những đứa con của họ hoặc là không dám nói thật về nghề nghiệp của bố mẹ mình hoặc là bị bạn bè xa lánh vì là "con bà lao công". Công bằng ở đâu chứ?

Và tôi cảm thấy thương họ, cảm thấy họ có gì đó rất đáng khâm phục, rất đáng tôn trọng, người lao công - những người ngược bước dòng đời.



Phở và Bánh Đa

18:32 Posted by Duy Trung
Hôm nay, đọc "báo" thấy có một bài viết so sánh cuộc sống ở Hà Nội và Hải Phòng làm tôi thấy sao Hải Phòng quê tôi lại trở nên giống cái xóm liều thế vậy. Biết rằng "Người đưa tin" (trang báo đăng bài kia) chỉ là một tờ báo nhỏ, chẳng ăn thua gì được với Dân Trí, Vietnamnet hay Vnexpress nên đôi lúc đăng một vài bài thu hút dư luận một tí thôi (mà thực ra báo đó toàn những tin giật gân, "người đưa tin" này xem ra thích đưa tin xấu) nên chẳng buồn giận, chẳng buồn phản ứng, chỉ để lại mấy comment bông đùa một tí cho dân tình hạ hỏa thôi.

Quê hương là ở Hải Phòng, sống ở Hà Nội cũng ngót nghét được 4 năm, sống ở cả hai nơi đúng là không tránh khỏi những sự so sánh trong lòng. Khác với ai kia, so sánh để chỉ ra nơi nào hơn, nơi nào kém, tôi chỉ có chút so sánh để thấy được sự khác nhau về môi trường sống của hai nơi thôi, và tất nhiên, ai thấy nơi nào hợp với mình hơn thì sẽ thích ở đó hơn, cái này là tùy mỗi người. Và cũng khác với ai kia, quê tôi Hải Phòng nhưng tôi không dám nhận mình biết hết về Hải Phòng, biết hết về Hà Nội thì càng không. Ở Hà Nội, người ta còn phân biệt "dân ngoại tỉnh" với "Hà Nội gốc" nữa nên tôi cũng chẳng dám chắc là những người "Hà Nội" tôi tiếp xúc có phải là "người Hà Nội" thật hay không, mà tôi cũng chẳng so sánh gì họ. Với kinh nghiệm lăn lộn các quán ăn ở cả hai nơi, tôi chỉ dám so sánh cách ăn hai món ăn bình dân và phổ biến mà gần như ở đâu cũng có là Phở và Bánh Đa (mà phải nói trước là cách ăn các món này ở các quán mở trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng nhá, đừng bạn nào mang "phở Hà Nội gốc" ra ở đây, nó chẳng thể hiện gì ngoài một chút văn hóa nào đó bị lãng quên cả)

Người Hà Nội thích ăn phở, ở đâu cũng thấy các quán phở. Các quán phở ở Hà Nội phần nhiều là phở bò mà là phở bò Nam Định. Hải Phòng không thích phở, Hải Phòng thích bánh đa hơn. Hầu hết các quán "phở" của Hải Phòng đều bán bánh đa và các quán bánh đa càng bán bánh đa, và có rất nhiều các loại bánh đa. Có thể người ngoài đi qua không biết, bảo người Hải Phòng treo đầu dê bán thịt chó nhưng thực ra không phải. Người Hải Phòng nào cũng thừa hiểu trong đó toàn bánh đa, mà do thích bánh đa hơn thì có lẽ các chủ quán đang "treo đầu chó bán thịt dê" thì mới đúng. Đây chỉ đơn thuần là thói quen không hơn không kém, có lẽ "phở" đã trở thành một từ địa phương của Hải Phòng để chỉ bánh đa rồi.


Phở Hà Nội

Phở ở Hà Nội ít gia vị bên ngoài để thực khách tự thêm hơn bánh đa ở Hải Phòng. Phở Hà Nội cho thực khách thưởng thức cái mình có còn bánh đa Hải Phòng cho thực khách cái họ muốn. Có thể so sánh một cách thú vị thì Phở Hà Nội chính là Iphone chỉ có mấy phiên bản cao cấp (và giảm cấp do có phiên bản khác cao cấp hơn), còn Bánh đa Hải Phòng là Samsung, có mọi sản phẩm ở mọi phân khúc khẩu vị người dùng. Tất nhiên cả hai đều có những hấp dẫn riêng mà người trót nghiện khó dứt ra được.


Bánh đa cua Hải Phòng


Bát bánh đa Hải Phòng sặc sỡ hơn bát phở Hà Nội. Phở Hà Nội hầu như chỉ có màu trắng của bánh phở, màu nâu đỏ của thịt bò, màu xanh của lá hành. Màu của bát bánh đa Hải Phòng rất đa dạng, tùy thuộc vào loại bánh đa bạn chọn, gia vị bạn cho và cả rau sống. Nếu bạn gọi một bát thập cẩm thì trong đó, ngoại trừ những màu trên còn có mày xanh đen của chả lá lốt hay màu vàng cam của gạch cua. Trông cực kì bắt mắt.

Ăn kèm với Phở Hà Nội là quẩy, và muốn ăn phải mất tiền. Ở Hải Phòng ít có quẩy, ăn kèm với bánh đa là rau sống, rau sống được đặt ở bàn, ăn hoàn toàn miễn phí. Đĩa rau sống ở Hải Phòng được chuẩn bị rất cẩn thận gồm các loại rau khác nhau phù hợp với từng món ăn, từng khẩu vị, màu sắc cũng rất sặc sỡ. Các quán ăn đôi lúc cạnh tranh với nhau chỉ bằng đĩa rau sống. Đây cũng là một cách để món bánh đa ăn nhiều không bị ngấy. Có rau chắc chắn ăn sẽ được nhiều, được lâu hơn là toàn thịt và bánh phở rồi.

Quán phở Hà Nội muốn uống phải gọi nước, và ăn xong thì trả tiền rồi về. Bánh đa Hải Phòng bạn vẫn phải gọi nước ngọt nếu muốn. Nếu là người thích nhâm nhi chút rượu trong lúc ăn thì ở đó có rượu trước rồi. Ăn uống xong bạn chỉ cần nói số chén, chủ quán sẽ tính tiền cho bạn. Còn nếu bạn không muốn gọi nước ngọt, không muốn uống rượu thì cũng không sao. Các quán bánh đa Hải Phòng đều có một bàn uống trà. Mọi người ăn xong ra đó ngồi uống trà (miễn phí) và nói chuyện, hỏi thăm nhau. Quan hệ của chủ quán - khách không phải chỉ là người bán - người mua. Qua bàn trà, mọi người được gắn bó hơn với nhau, ở đây họ là bạn bè, là hàng xóm chứ không chỉ có mua và bán nữa rồi. Ai dám nói người Hải Phòng không tình nghĩa chứ? 

Thời điểm đắt khách của bánh đa Hải Phòng chủ yếu vào buổi sáng và tối. Phở Hà Nội như đắt khách cả ngày.

Tôi muốn viết thêm nhiều lắm, nhưng sợ viết dài quá, chả ai đọc; văn chương cũng có hạn mà tôi cũng đói nữa. Có lẽ một chút so sánh nhỏ phía trên cũng giúp mọi người hình dung được gì đó về hai món ăn rất bình dân này.

Phở Hà Nội mang trong mình chút gì đó ồn ào, náo nhiệt, sôi động của Hà Nội. Bánh đa Hải Phòng lại mang trong mình chút tĩnh lặng, một chút suy tư.

Nếu bạn là người sôi động, vội vã thì phở Hà Nội sẽ hợp với bạn, nếu bạn là người sống chậm thì bánh đa Hải Phòng sẽ giúp bạn thư thái hơn.

Bạn muốn nếm thử bánh đa ở Hải Phòng chứ.




Blog? Tại sao nhỉ?

11:48 Posted by Duy Trung
Tôi quay lại thời kì viết blog như một hành động vô thức cho đến khi đứa "em gái" (thực ra là đứa em kết nghĩa) hỏi "anh viết blog để làm gì?". Tôi viết blog để làm cái quái gì nhỉ?

Rõ ràng Facebook là một thị trấn sôi động, ở đó có bạn bè tôi, có những hội nhóm tôi yêu thích, có những fanpage tôi cập nhật thông tin mỗi ngày. Mỗi ngày ở Facebook luôn là một ngày mới theo đúng nghĩa đen của nó, thậm chí mỗi giờ trên Facebook cũng là một giờ mới rồi. Thông tin trên Facebook luôn cập nhật, nó giống như một tờ báo tổng hợp, tôi luôn biết được bạn bè mình đang ở đâu, làm gì, như thế nào (tất nhiên là nếu họ muốn cho tôi biết). Ở Facebook, tôi có thể đăng ảnh, tạo các sự kiện, thay đổi avatar và cover theo ý muốn và đôi lúc là gửi gắm những thông điệp vào đó - điều mà Blogger không có. Nếu muốn những "tác phẩm" của mình đến được người đọc thì Facebook có lẽ là nơi lý tưởng hơn, ấy vậy nhưng tôi vẫn chuyển những bài viết dài dài của mình lên blog hơn là để chúng ở trên Facebook. Tại sao nhỉ?

Lí do đầu tiên là Facebook tạp nham quá. Tạp nham các bài đăng của mọi người, tạp nham cả các bài đăng của chính tôi nữa (thật buồn vì tôi là nhân tố tích cực giúp Facebook trở lên tạp nham hơn). Theo cảm nghĩ của tôi thì Facebook giống như một cái nhà kho tập thể. Trên trang News feed của Facebook, tôi có thể thấy những status, những đoạn note, những link, những đoạn quảng cáo, những lượt thích của tôi và của cả bạn bè trên một trang nào đó mà tôi chẳng buồn quan tâm nữa. Việc trưng hết tất cả mọi thứ lên trang chủ theo một lí nào đó sẽ khiến mọi người tích cực hoạt động hơn, tích cực "like" hơn, tích cực "share" hơn, nhưng xét theo hướng tiêu cực thì nó làm cho trang chủ giống như một bãi rác. Thật khó để tôi có thể tìm thấy một status, một đoạn note đầy tình cảm của bạn bè mình trên đó nếu như những cái đập vào mắt tôi là những dòng cập nhật mà tôi chẳng biết phải làm gì. Chẳng lẽ tôi đi khen "tuyệt vời" vào dòng thông báo bạn tôi vừa thắng trong một trò chơi nào đó, comment vào những thứ không hề liên quan đến tôi và "like" những thứ tôi chẳng thấy hứng thú. Tất nhiên là tôi sẽ không làm thế, thà tôi tắt trình duyệt đi và đánh dota với máy tính còn thấy thú vị hơn.

Đấy là tôi dưới góc độ người đọc. Ở góc độ đó, tôi có thể ẩn những bài đăng mình không thích, xóa những trang mình không quan tâm, thậm chí unfriend với một cô bạn phiền phức nào đó, mặc dù hơi mất thời gian một tí. Ở góc độ ngược lại, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn khi tôi là người viết và tôi muốn chia sẻ với mọi người. Thật là kì quái khi những chia sẻ vu vơ, khó hiểu nào đấy lại được nhiều bạn "comment", còn những chia sẻ mà tôi phải mất nhiều thời gian và suy nghĩ để viết thì thường chỉ nhận được những cái "like" lạnh lùng. Tôi chẳng chắc là bạn bè tôi đã đọc hết chưa cơ, hay cứ thấy dài là "like" cái đã (thú thật là đôi lúc tôi cũng làm chuyện ngớ ngẩn này). Thực ra thì cũng chẳng trách ai được. Cuộc sống trên Facebook là một cuộc sống ồn ào với những status, comment cập nhật liên hồi. Sẽ chẳng có thời gian để người ta ngồi nhâm nhi một đoạn note, một đoạn tâm sự nào đó dài dài mà không bị ảnh hưởng bởi các thông báo mới, bởi các trạng thái mới, bởi các lượt thích mới. Mặc dù người ta vẫn đọc được đấy, nhưng đọc với một thái độ tập trung, một chút suy ngẫm thì có lẽ chỉ ở blog người ta mới có thể làm được điều đó. Tương tự với việc ngồi viết cũng thế, sẽ chỉ ở blog tôi mới tập trung viết mà không bị những comment, những status, những lượt thích và đôi lúc là những dòng chat làm mình bị sao nhãng mà hết ý hoặc hết hứng viết.

Trên là chuyện của Facebook, chuyện của Facebook là chuyện chung của mọi người trên Facebook, nếu mà chỉ dựa vào chuyện chung thì có lẽ tôi cũng sẽ giống như bao người khác vẫn sống chung với "bão thông tin" trên Facebook và ngồi viết note bình thường ấy thôi. Tại tôi cũng có chuyện riêng, những lí do của riêng tôi.

Tôi, theo nhận xét của nhiều người thì tôi là người khá cởi mở. Thật ra, tôi cởi mở với đa số mọi người là cởi mở trong giao tiếp thông thường thôi, còn trong chuyện tình cảm thì tôi khép kín hơn nhiều người tưởng nhiều. Khép kín không đồng nghĩa với việc tôi hoàn toàn không muốn chia sẻ, chỉ là chưa thích hợp để tôi chia sẻ thôi. Và một phương án tốt nhất cho những thằng như tôi là kiếm một người bạn thân nào đó, điều này thì ai mà chẳng muốn. Nhưng mà bạn thân không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ được, bạn là bạn, bạn vẫn còn cuộc sống của bạn nữa, đâu phải lúc nào cũng dành thời gian cho tôi được. Khổ cái, cảm xúc nó lại chỉ đến bất chợt và đôi lúc là vào những giờ rất oái oăm, còn đến khi gặp được người mà tôi muốn chia sẻ thì mấy cái cảm xúc đó bay đâu mất tiêu rồi cũng nên. Có thể lúc đó tôi đang vui vẻ với những câu chuyện bông đùa hoặc đang lắng nghe câu chuyện của bạn. Vậy là tôi đành phải chọn giải pháp thứ hai, dùng một người bạn ảo: blog.

Trong những lúc buồn chán thì có lẽ chỉ cần một người bạn ngồi nghe thôi là đủ lắm rồi, mà tốt hơn hết là chỉ nên nghe thôi. Nghe xong không làm gì cũng được, làm gì cũng được nhưng cốt là phải nghe đã. Nếu mà gặp nhau để một người nói, một người nghe thì quá ổn. Vấn đề lại nằm ở chỗ không phải lúc nào ta cũng gặp nhau để nói, để nghe được. Gọi điện, nhắn tin hay chát chít có vẻ ổn nhưng tôi lại sợ rằng trong cái lúc tâm trạng tôi đang không tốt mà người bên kia cứ im re (im lặng lắng nghe) tôi lại tưởng rằng bên kia bỏ rơi mình mất. An toàn hơn là chọn một người bạn ảo, một người chỉ biết lắng nghe và nghe rất chăm chú (cái gì tôi viết cũng đều hiện trên màn hình hết à). Và khi đã kể hết rồi, thường thì tôi thấy nhẹ nhàng hơn và nếu thích, tôi có thể xóa những gì vừa kể khỏi kí ức của bạn tôi nữa, người bạn đó sẽ không nghĩ gì về chuyện tôi vừa kể cả. Tôi đố bạn có thể xóa những gì vừa kể trong đầu một người bạn nào đó ấy, bạn thân thì càng khó xóa.

Đó là những lí do mà tôi có thể nói ra để bao biện cho hành động của mình, thực ra còn hàng tỉ lí do nữa có thể chứng minh điều ngược lại là đăng tất cả lên Facebook vẫn tốt hơn là đăng một phần lên Facebook, một phần ra blog thế này, và vì thế, nếu rảnh rỗi tôi vẫn chia sẻ những bài viết của mình lên Facebook như một cách để cân bằng cả hai. Dù sao thì Facebook là mạng xã hội, blog là nhật kí cá nhân, mặc dù vẫn là con người của xã hội, nhưng một chút ích kỉ, một chút cá nhân cũng chẳng làm hại ai được.

Và tôi sẽ dùng cả hai như tôi đang làm thế...

Câu lạc bộ những người không tham gia các câu lạc bộ

21:19 Posted by Duy Trung


"Ý tưởng thành lập câu lạc bộ này đã nhen nhóm từ lâu, nhưng giờ mới đem ra, chính thức thành lập.



Lí do thành lập: Do nhận thấy việc tham gia câu lạc bộ có rất nhiều ích lợi nhưng nhiều người vì lí do này hay lí do khác mà chưa tham gia câu lạc bộ nào cả. Câu lạc bộ này lập ra để giúp những bạn đó có thể tham gia và tận hưởng cảm giác ở trong một câu lạc bộ



- Tác dụng khi tham gia câu lạc bộ:

+ Giúp cùng chia sẻ sở thích, giúp đỡ nhau để cùng đạt đến mục tiêu nhất định (mục tiêu ở đây là giúp nhau biết được cảm giác khi tham gia một câu lạc bộ).

+ Mở rộng quan hệ, tăng cường khả năng giao tiếp.

+ Giúp mình tự tin hơn.

+ Một cách giải trí hữu hiệu, lành mạnh và rẻ tiền

...

- Thành viên: Bất kì ai, không phân biệt giới tính, dân tộc, tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn, trình độ chính trị, còn sống hay đã chết, hễ ai chưa tham gia CLB nào thì đều được tham gia.



Ban điều hành: Gồm 0 chủ tịch CLB, 0 thủ quỹ, các trưởng ban (Trong Câu lạc bộ có các ban: Ban Sự kiện, Ban Văn nghệ, Ban Giải trí hay bất cứ ban nào bạn có thể nghĩ ra. Mỗi ban có tối đa 0 thành viên và trong đó phải chọn ra 0 thành viên có khả năng lãnh đạo nhất làm trưởng ban)



Cách tuyển thành viên: CLB sẽ CHỈ tuyển thành viên mỗi năm một lần, vào các ngày từ 1/1-31/12.



Các bạn tham gia phỏng vấn sẽ tự phải trả lời một số câu hỏi do các bạn tự đặt ra. Các câu hỏi có thể là: Lợi ích của việc tham gia một CLB là gì, vì sao bạn không tham gia vào CLB nào, cảm nghĩ của bạn về CLB của chúng ta,...



Sau khi trả lời xong, các bạn sẽ tự đánh giá xem xét. Nếu thấy hợp lí, bạn đã được nhận, nếu thấy có điều không ổn, xin chia tay bạn và chúc bạn thành công ở một CLB khác.



Hoạt động: CLB sẽ sinh hoạt đều đặn hàng tuần với tần suất 0 lần một tuần tại bất cứ đâu.

Quỹ: Các thành viên phải đóng quỹ đầy đủ, đúng hạn vào đầu các học kì với số tiền 0 vnđ/kì.



Mọi chi tiết xin liên hệ với chủ tịch theo số điện thoại: 09xx xxx xxx



Các bạn cũng có thể đăng kí mở các chi nhánh CLB ở nhiều nơi khác nhau và sẽ ăn lương theo số sự kiện tổ chức.

CLB sẽ tổ chức rất nhiều các sự kiện ở nhiều nơi khác nhau với tần suất trung bình là 0 sự kiện/năm.



Hi vọng CLB của chúng ta sẽ sớm lụi tàn theo năm tháng."

Chuyện nút "like"

21:17 Posted by Duy Trung


Từ nút like...



Nút like được Facebook cho ra mắt vào tháng 4/2010 và được miêu tả: "Like là cách người dùng đưa ra phản hồi tích cực và kết nối đến những thứ họ quan tâm". Nó giúp người sử dụng thể hiện sự "thích", tán thành, ủng hộ một thông tin nhất định trên Facebook và trên diễn đàn, website tin tức, blog... (nơi “Like” được tích hợp). Tuy nhiên, sau gần 3 năm tồn tại, có lẽ chức năng của nút Like đã vượt xa những gì mà ngài CEO của Facebook có thể tưởng tượng ra được khi quyết định ra mắt nó.



...đến những người cuồng “like”...



"Những người cuồng like" có thể là những người cuồng nhận “like” và những người cuồng bấm like. Chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra những người cuồng nhận like có trước hay những người cuồng bấm like có trước. Nhưng mà chắc là những người cuồng nhận like có trước.



Vì cái ý nghĩa ban đầu của “like” là “thích”, mà ai lại chẳng muốn mình được nhiều người thích. Nhiều người còn tin rằng nhận được càng nhiều like tức là mình càng có sức hút. Chẳng thế mà những cái status lãng xẹt, vô thưởng vô phạt của anh chàng ca sĩ hay cô nàng hot girl nào đó lại nhận được hàng ngàn like trong khi đó những cái status đầy ý nghĩa, thú vị và dí dỏm (như của t chẳng hạn :P – chém đấy) lại chỉ nhận được số like rất hạn hẹp (Chắc chưa cần đếm trên đầu ngón chân). Và theo một nghiên cứu ở Đức thì nhiều người cảm thấy ghen tị chỉ vì người khác nhận được quá nhiều like, trong khi status của mình không một ai ngó ngàng đến làm họ cảm thấy không vui, thậm chí hụt hẫng, tự kỉ vì cảm thấy mình không được ai quan tâm, bị thờ ơ.



Tất nhiên là đa số mọi người đều muốn mình được quan tâm, mình được nhiều người thích, mình có sức hút, mình được “like”. Một số trong họ làm mọi cách để có like. Nếu người khác chỉ có thể click like nếu họ nhìn thấy cái gì đó của bạn thì cách đơn giản là hãy xuất hiện trước mặt họ nhiều hơn. Vậy là có những người 10 phút lại đăng một status. Cái status đó có thể nói về bất kì cái gì, có thể chỉ là thông báo nơi đang ở, dù chỉ một lát sau họ sẽ lại ở một địa điểm khác (và post một cái status khác); cũng có thể là những câu chuyện cười, những câu (chuyện) tình cảm có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu mà đôi lúc cũng chẳng phải tình cảm thực của người ta lúc đó (thể loại này cũng hay được like); mà cũng có thể là những status về tình cảm. Status về tình cảm của mình thì không sao, nhưng xem ra một số người lại thích bi kịch hóa cuộc sống của mình để tìm kiếm sự quan tâm (mà thực ra là sự thương hại) trong khi thực tế họ có rất nhiều những người bạn thực quan tâm. Mải mê tìm kiếm sự quan tâm ảo, sớm muộn cũng mất đi sự quan tâm thực… Một số người khác “lành nghề” hơn, nhờ có lợi thế ngoại hình (và tốt hơn nữa nếu có những đường cong hoàn hảo), họ tích cực chụp ảnh với các tư thế hoặc là nai tơ ngơ ngác hoặc là gái đẹp chịu chơi để post lên. Khi không có thời gian chụp ảnh hay là hết tư thế chụp ảnh, họ biên tập lại những bức ảnh của mình, lồng vào những cái khung và post lên như thể những bức ảnh đó chưa được đăng bao giờ kèm theo là những dòng miêu tả chẳng-liên-quan (có thể lại là những câu và chuyện tình cảm nói trên). Tất nhiên, những người như trên vẫn luôn có được một sức hút nhất định với một số người (vì họ vẫn luôn nhận được like), tuy nhiên với một số người còn lại, do quá quen với những thứ không thể nhàm chán hơn, chủ nhân của những status trên lại có sức đẩy mạnh hơn sức hút. Và nếu một ngày sức đẩy lớn quá thì sớm muộn người đó cũng văng ra khỏi friend list, thậm chí văng luôn vào danh sách chặn.



Có cầu ắt có cung, có những người cần được like thì cũng có những người sẵn sàng bấm like. Tưởng chừng vì hầu như ai cũng thích được like thì những người chuyên bấm like sẽ được nhiều người yêu quý nhưng hóa ra lại không phải.



Cùng với sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội, sự phát triển của chiều dài Iphone, nút “like” đã vượt ra ngoài ý nghĩa ban đầu là “thích”, và cái lí do bấm like cũng muôn hình vạn trạng lắm. “Tôi bấm like khi tôi thấy điều gì đó thú vị và biết đâu tôi có thể quay lại xem”, “tôi bấm like để chia sẻ, biết đâu bạn bè cũng sẽ thích nhó như tôi”, “tôi bấm like để bạn bè biết rằng tôi đã đọc”, “tôi bấm like vì đơn giản bấm vào nó sẽ thành nút unlike” và muôn vàn các lí do khác để bấm like. Nếu mà những cái like đó cứ để mình những người like xem thôi thì không sao. Vấn đề nằm ở chỗ Facebook đăng cả những cái thích của bạn bè trên trang chủ. Chính vì thế nên mới có tình trạng thay vì hiển thị những chia sẻ của bạn bè, Facebook lại hiển thị những cái “thích” và những chia sẻ của những cái-gì-đó-chẳng-quan-tâm. Nhưng có lẽ cái này đáng trách Facebook hơn là trách những người bấm “like”. Vì “thích” là quyền con người cơ mà. Nhưng xin những người bấm “like” hãy đọc trước khi bấm, đừng có “like” mọi lúc, “like” mọi nơi, như thế dễ dẫn đến tình trạng lạm phát nút “like” lắm. Đừng để những nút “like” của mình mất giá trị.



…và những hội khát “like”



Chẳng biết chức năng fanpage được lập ra khi nào, nhưng bây giờ nó là một chức năng được sử dụng rất nhiều (nếu không muốn nói là tràn lan). Mục đích lập ra của những fanpage rất khác nhau. Có những fanpage lập ra để cung cấp thông tin (không nhất thiết của admin), có những fanpage lập ra mang tính kinh doanh (fanpage của các shop trực tuyến, các trung tâm tiếng Anh,…), có những fanpage để thể hiện sự ngưỡng mộ, có những fanpage thể hiện sự căm ghét (thật chẳng giống nghĩa của chữ “fan”), cũng có những fanpage lập ra chỉ để một ai đó thử cảm giác làm admin. Mặc dù mục đích của các fanpage là khác nhau nhưng chắc chắn là các trang đều muốn có nhiều người biết đến, theo dõi – tức là có nhiều người “like”. Và để có được những cái like thì các fanpage đã sử dụng rất nhiều cách khác nhau. Một số cách trong đó có thể nói là “thảm họa”.



Nói về những cách câu “like” sơ khai ban đầu đã. Cách đó chỉ đơn giản là post những nội dung thú vị về những thứ mọi người quan tâm mà liên quan đến fanpage thôi. Những người cùng sự quan tâm họ sẽ thấy thích và click “like”. Ví dụ đơn giản nếu tôi là admin của một trang fanpage của một đội bóng nào đó (Wolverhampton – đội bóng bị xuống hạng ở giải ngoại hạng Anh mùa trước khi chỉ có 3 chiến thắng chẳng hạn), tôi sẽ liên tục cập nhật các thông tin về đội bóng, thông tin các cầu thủ và bla bla các kiểu. Với những thông tin đa dạng, chính xác, phù hợp thì chắc chắn các fan hâm mộ của đội bóng này chẳng ngại ngần gì mà click “like”. Đây có thể được nói là cách câu “like” sạch và câu “like” thực. Nhưng dùng cách này thì kiếm được “like” cũng khá lâu, nhất là phát triển từ đầu nữa thì không biết bao giờ mới có được số like đủ lớn.



Để câu được like trong thời gian ngắn, không ít các fanpage đã sử dụng các chiêu trò khác nhau. “Like nếu bạn yêu nước”, “Like nếu bạn là người Việt Nam”, “Like nếu bạn yêu mẹ”, “Like nếu bạn thích người này”,… thật ngớ ngẩn khi “like” những status hay những bức ảnh có những dòng chữ như thế. Anh chẳng có quyền phán quyết tôi chỉ vì tôi không thích anh, chẳng ai có quyền như thế. Tôi vẫn là người Việt Nam, tôi vẫn yêu nước, vẫn yêu mẹ tôi kể cả tôi không “like” những cái hình ảnh hay trạng thái của anh đi nữa. Và buồn cười ở chỗ có những thay vì thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu mẹ, hay thứ tình cảm nào đại loại thế bằng những hành động cụ thể đối với những con người cụ thể thì họ lại mất thời gian ngồi onl trên mạng chỉ để chứng minh cho mọi người thấy tình cảm của mình (?!). Tương tự thế là những bức ảnh đại loại như là “Like nếu bạn thích Messi hơn và comment nếu bạn thích Ronaldo hơn”. Ơ, thế fan của Messi không biết đánh máy à? Nhưng như thế vẫn còn chưa là gì. Để có được những cái like, nhiều trang còn cắt ghép những hình ảnh lại, dựng lại thành một đoạn truyện tranh (người ta gọi là chế), mà nhiều đoạn truyện đó lại rất nhảm nhí và không có thật. Chẳng hiểu sao, nhiều người thích cái gì thì lại thích biến cái đó thành nhảm nhí. Và có lẽ thảm họa sẽ không xảy ra nếu như người ta chỉ dùng nó để mua những tiếng cười (nhạt), khổ cái nhiều người lại tin sái cổ vào những chuyện chế đó. Chẳng thế mà Suarez bị FA phạt vì kêu “đen vkl” trước mặt Evra khi không ghi được bàn (thực tế là do anh này có lời lẽ xúc phạm màu da của hậu vệ người Pháp), hay Sir Alex kêu Hazard có thể đạp chết cậu bé nhặt bóng trên sân của Swansea (thực tế Sir Alex chẳng ở trên sân và cũng chẳng có bình luận gì). Nhưng việc làm trên đã bị một số fan ít nghĩ của Liverpool và một số antifan không nghĩ của MU phản ứng dữ dội (=))). Rồi chưa kể các chức năng của nút “like” được thổi phồng lên khi mỗi “like” sẽ được tổ chức nào đó quyên góp một chút tiền cho ai đó, “like” để nhận áo Facebook, “like” để ai đó hết bệnh, “like” sẽ nhận được may mắn, “like” để…, để…, … Nếu mà nút like có khả năng như thế thì e rằng người ta nên đặt nút “like” ở sàn mọi chiếc xe buýt, đặt nút “like” ở mọi nhà hàng, đặt nút “like” ở mọi ngõ ngách, đặt nút “like” ở bất kì đâu.



Sự thật đằng sau nút “like”



- Các click “like” của bạn được rao bán trên mạng với giá từ vài chục đến vài trăm đồng một lần click. (Dường như có ai đó bán một hành động chưa mất đến một giây của bạn để lấy một số tiền nhỏ xíu thì cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng hãy nhớ rằng bạn có thể là những lao động không công hoặc con rối cho một ai đó. Hãy tưởng tượng có người được trả tiền để khiến bạn thích một ai đó. Cảm giác như bị lừa tình phải không)



- Nút “like” từng bị vấp phải rất nhiều sự phản đối vì dính nghi án theo dõi người dùng, kể cả khi bạn đang không bật Facebook, không click “like” (thật chả vui tí nào khi phải sống trong nhà dưới những cái máy quay, mặc dù mình chẳng làm gì cả)



- Kể cả nút “like” không theo dõi người dùng như trên thì mỗi khi click “like”, dữ liệu sẽ được lưu vào tài khoản của bạn dựa vào đó để thiết lập các sở thích, thói quen của bạn. Facebook có thể dùng những thông tin đó để bán các quảng cáo và xui xẻo nếu các hacker lấy được chúng và thực hiện vào các mục đích xấu.



Lời kết:



Câu “like” là chuyện của bạn, đi “like” cũng là chuyện của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng dù là chuyện của bạn thì nó vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến người khác. Đừng có quá lạm dụng để thay vì gây sức hút lại gây sức đẩy, thay vì bạn bè muốn được bạn “like” thì lại ghét bạn “like”. Và hãy nhớ rằng khi “like” và sử dụng một ứng dụng nào đó trên Facebook, hãy đọc kĩ các điều khoản sử dụng kẻo đến khi trên timeline của bạn xuất hiện chi chít những tin “…đã thích một bài báo yyy” nào đó lại kêu ai vào tài khoản của mình nhé.

Hạnh phúc và tình yêu

21:13 Posted by Duy Trung
Hạnh phúc là gì? Có người nói với tôi rằng có 5 mảnh ghép của hạnh phúc là: Sức khỏe, gia đình, bạn bè, sự nghiệp và tình yêu. Mỗi mảnh ghép đó đều có những miếng ghép nhỏ hơn kết hợp thành. Tuy nhiên tôi sẽ không nói về tất cả những mảnh ghép hạnh phúc đó, tôi sẽ chỉ nói đến mảnh ghép cuối cùng: Tình yêu.



Ở cái độ tuổi của tôi, một câu hỏi không chỉ tôi mà còn rất nhiều các bạn khác được nghe là "có người yêu chưa?". Thực ra câu hỏi đấy chẳng làm tôi cảm thấy nao núng, chẳng làm tôi cảm thấy ngượng ngùng, lo sợ như cái tuổi 15, cũng chẳng thấy tội lỗi như ở cái tuổi 30. Ở cái tuổi của tôi, tôi tự cho phép mình thoải mái trả lời câu hỏi đó và bằng những cách trả lời khác nhau thì tôi luôn khiến người nghe hiểu được rằng tôi vẫn chưa có người yêu, chí ít là tôi vẫn cảm thấy thế.

Có vẻ như trong 5 mảnh ghép kể trên, Sức khỏe, Gia đình và Bạn bè là những thứ người ta nghĩ rằng không cần cố gắng nhiều để có hoặc có cố gắng cũng rất khó thay đổi nên người ta thường bỏ quên nó ở một cái chai được bịp nút và vứt vào một xó nào đó trong trái tim, Sự nghiệp là cái người ta phải cố, cố cả đời và chẳng bao giờ dừng lại được. Còn Tình yêu có vẻ rất khác những cái còn lại. Nó không phải là cái sinh ra đã có, nó cũng không phải là cái mà khiến người ta phải cố gắng cả đời để tìm kiếm (nhưng sẽ là cái người ta phải cố gắng cả đời để giữ được nó).

Tình yêu không giống với Sức khỏe và Sự nghiệp, cái mà bạn là nhân vật trung tâm và duy nhất, tốt xấu đâu bạn chịu cả; nó cũng không giống Gia đình, Bạn bè khi bạn chỉ là một diễn viên chính giữa rất nhiều các diễn viên chính khác và trách nhiệm của bạn bị giảm nhẹ đi rất nhiều. Trong Tình yêu, bạn là nhân vật trung tâm nhưng không duy nhất. Trong Tình yêu, bạn không thể san sẻ trách nhiệm của mình được, bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nó, thậm chí là trách nhiệm với người bạn yêu và yêu bạn. Trách nhiệm của bạn được tăng lên gấp đôi.

Không biết có phải vì tính không có sẵn và vì những sự khác biệt trên không mà rất nhiều người được lập trình rằng khi lớn lên họ phải đi tìm tình yêu. Khi gặp nhau, người ta hỏi nhau về tình yêu. Và nếu trong một nhóm đã có người yêu mọc ra một người chưa có gì thì người đó hoặc sẽ trở thành một kẻ đáng thương hại, hoặc sẽ trở thành một gã khùng. Tình yêu quan trọng thế à? Một số người dường như coi tình yêu là thứ duy nhất có ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Họ đắm chìm trong hạnh phúc khi có được tình yêu rồi cảm thấy không thiết sống khi mất đi tình yêu. Tình yêu quan trọng thế à? Một số người khác, khi chưa có được tình yêu thì luôn mồm kêu ca về tình cảnh của chính mình, luôn cảm thấy buồn, thấy cô đơn mỗi khi thấy người ta đi với nhau hoặc sắp đến một ngày lễ quan trọng nào đó (mà ở Việt Nam, bất kì ngày lễ nào cũng đều có thể biến thành ngày lễ tình yêu). Tình yêu quan trọng thế à? Chẳng lẽ ngoại trừ tình yêu, chúng ta không còn gì khác có thể đem lại hạnh phúc cho ta?

Sự thực thì không phải thế, chúng ta còn gia đình, bạn bè cơ mà. Một buối tối ăn cơm cùng gia đình, một cuộc gọi hỏi thăm của mẹ, một câu chuyện phiếm với những người bạn, những thứ đó chẳng phải cũng rất thú vị hay sao? Tiếc rằng đôi lúc chúng ta mải đắm chìm trong những câu chuyện yêu đương hoặc đang có thật, hoặc chúng ta và những người xung quanh tự vẽ ra để rồi quên đi những hạnh phúc bình dị đấy.

Tôi biết rằng trong 5 mảnh ghép của hạnh phúc trên, mảnh ghép này có thể lấp đầy một phần còn trống của mảnh ghép kia, nhưng không mảnh ghép nào thay thế nhau được hoàn toàn cả. Cả 4 mảnh ghép còn lại có thật sự tốt cũng không thể che lấp hết khoảng trống khi bạn đang thiếu mảnh ghép tình yêu. Đó là lí do dù cố gắng đến đâu, đôi lúc bạn sẽ vẫn cảm thấy buồn khi không có ai bên cạnh, cảm thấy ghen tị khi thấy đôi lứa đi với nhau, cảm thấy chạnh lòng vào một đêm Valentine nào đấy. Nhưng không thể vì cả năm chỉ cảm thấy cô đơn trong mấy ngày lễ mà phải đi kiếm người yêu, như thế chẳng phải rất tội cho người yêu bạn, và tội cho cả mình nữa sao?

Tình yêu quan trọng, nhưng không đồng nghĩa là chúng ta không thể sống và cảm thấy hạnh phúc nếu thiếu nó. Nếu còn độc thân thì có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho bạn bè và cho cả chính mình nữa để về sau không phải hối hận. Có thể thiếu mảnh ghép Tình yêu, nhưng người ta không cần phải trở nên hoàn hảo để cảm thấy hạnh phúc. Cứ sống hết mình với bản thân, với gia đình, với bạn bè rồi tình yêu sẽ tự đến.

"Và nó lại ngồi đó, lại ngồi nhìn những cơn gió thoáng qua..."

Chuyện kẻ độc thân

21:13 Posted by Duy Trung



Đã gần 22 tuổi và tôi vẫn là một kẻ độc thân. Nếu nói rằng tôi đã độc thân được 21 năm thì hoàn toàn không đúng, tôi mới chỉ ý thức được rằng mình đúng là kẻ độc thân được vài năm trở lại đây, khi mà một số những người bạn của tôi bắt đầu có người yêu và họ luôn định hướng để tôi nghĩ rằng tôi cần có người yêu. Mà có người yêu tức là tôi sẽ (tạm) hết độc thân. Vậy có thể hiểu rằng độc thân là một cái gì đó khá là tệ và tôi phải bước ra khỏi đó.

Độc thân...


Độc thân không đồng nghĩa với việc tôi chưa từng rung động. Nếu như tôi chưa từng rung động trước bất kì người con gái nào thì có lẽ tôi cần phải đến bệnh viện và xem lại giới tính của mình. Tôi đã từng rung động, nếu không muốn nói là nhiều. Mặc dù số người con gái có thể làm tôi cảm thấy hạnh phúc và có thể làm rất nhiều việc để đổi lại nụ cười của người ấy vẫn chỉ đủ để đếm trên một bàn tay nhưng với tôi, nhiều hơn một tức là tôi đã phải thêm "s" vào sau từ cụm từ "người khiến tim tôi rung động" trong tiếng Anh rồi. Tuy nhiên, vì tình cảm tôi dành cho họ chưa đủ nhiều và ngược lại tình cảm của họ dành cho tôi cũng chưa đủ để chúng tôi gọi nhau là "người yêu" (chí ít là tôi thấy thế hoặc có thể do tôi lảng tránh nên thấy thế) nên chúng tôi mãi mãi vẫn chỉ là bạn. Giờ đây, đa phần trong số đó, chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, có điều tôi sẽ làm ít việc hơn để thu được nụ cười của họ hơn thôi.

Độc thân...

Độc thân tôi được tận hưởng những cảm giác mà có lẽ chỉ những người đã hết độc thân mới hiểu được.

Tôi được đi chơi với bất kì ai, vào bất kì lúc nào và bất cứ nơi đâu miễn là tôi thích và bố mẹ tôi cho phép (thực tế là khi tôi đi học xa nhà, tôi đã không xin phép bố mẹ để được đi đâu đó, tôi làm một việc khác đơn giản hơn là thông báo với họ tôi sắp đi chơi nếu như tôi đang ở nhà). Nói vậy không có nghĩa là tôi sẽ đi chơi vô tội vạ, tôi vẫn thừa thông minh và tỉnh táo để biết rằng không nên đi chơi với ai, chỗ nào không nên đến và thời gian nào thích hợp với việc nằm ở nhà ngủ hơn là đi chơi. Nhưng như vậy là tôi đã được chơi bời thoải mái lắm rồi, không có bất kì sự gò bó nào cả, không phải dành buổi cuối tuần thư thả của mình để đi chơi với cô người yêu mà tuần nào cũng vậy đến hết cả chỗ chơi. Tôi có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê một mình như một thằng dở ở một quán cà phê nào đó hoặc là tụ tập cùng mấy thằng con trai đi đánh điện tử hoặc đi xem bóng đá mà chẳng sợ có ai đó giận dỗi vì tôi đã đặt những thú vui đó ở trên người ta. Thú vị thế ấy.

Độc thân giúp tôi có thể tập trung làm một việc gì đó, tránh xa điện thoại và internet mà chẳng làm phật lòng ai, cũng chẳng phải trả lời những câu hỏi đại loại như: "Sao em gọi anh không nghe máy", "lúc đó anh ngồi với con nào phải không?" hoặc là "anh chết dẫm chỗ nào cả tuần đấy?" hay bất kì câu hỏi nào tương tự như thế. Tất nhiên, tôi không nói rằng tất cả các bạn gái sau khi có người yêu đều sẽ trở nên như vậy, nhưng chắc chắn chẳng có cô gái nào muốn có một anh chàng người yêu dăm bữa nửa tháng là lại biến mất ở đâu đó không có lấy một thông tin nào.

Độc thân khiến tôi được thoải mái hơn trong những ngày lễ. Tôi sẽ không phải suy tính xem tối nay nên mặc gì, đi đâu, mua quà gì cho người tôi yêu quý. Chẳng ai muốn tặng một bó hoa đến chục lần cho một cô gái vào mỗi dịp lễ và cũng sẽ chẳng có cô gái nào muốn nhận được hoa theo kiểu ấy cả. Mỗi lần lễ tết gì ấy, đi chơi với người yêu là các chàng trai phải kiếm ra một món quà gì đó khác những lần trước để tặng. Mà khả năng sáng tạo của tôi thì cũng hữu hạn thôi. Nếu như mỗi tháng phải nghĩ ra một cái gì đó thật mới lạ để làm quà thì chắc chẳng mấy chốc tôi sẽ chẳng kiếm được cái gì mới lạ mất. Những điều trên là tôi được anh bạn cùng phòng than thở, tất nhiên, bằng một cách nào đó, anh bạn tôi đã chiến đấu để vượt qua những ngày đó và giữ sức để chuẩn bị trả lời câu hỏi "tối nay phải tặng quà gì?".

Và còn rất nhiều điều làm tôi cảm thấy thú vị như tiết kiệm tiền điện thoại, không phải trả lời các câu hỏi ngớ ngẩn như "anh có yêu em không, có nhớ em không?" (làm chi mà hỏi nhiều zữ zậy) hoặc ngồi gật gù xem một bộ phim nhàm chán nào đó cùng người yêu...

Tuy nhiên cũng giống như yêu đương, độc thân không phải là một cái bánh ngọt ngào (vì có rất nhiều người không muốn ăn cái bánh đó). Độc thân đôi lúc cũng buồn lắm đấy.

Đó là vào một cái ngày nào đó, theo một logic nào đó, người ta ngầm coi đó là ngày lễ tình nhân như Valentine trắng, trung thu, Noel rồi thậm chí cả ngày quốc tế thiếu nhi (?!) và tất nhiên là ngày lễ Tình nhân thật (14/2) nữa, khi mà người ta rủ nhau đi chơi còn tôi thì vẫn đi một mình như bao ngày khác. Ngoại trừ ngày Valentine (14/2) ra thì những ngày còn lại hoặc là không dành cho họ (những cặp đôi đang yêu) hoặc là dành cho không chỉ họ nhưng việc họ cứ coi những người đó coi đó là ngày của họ cũng làm tôi chạnh lòng (và cả ghen tị) đôi chút. Tệ hơn là một số các "single" như tôi lại cũng coi đó là ngày của những người đang yêu và cái bầu không khí kiểu như "tôi cần người yêu để tối nay đi chơi" là tôi cảm thấy có gì đó vừa ngột ngạt vừa dễ gây cười lại vừa dễ gây tủi thân.

Đó là vào một lúc nào đó, khi tôi thấy mình không thực sự ổn; tôi mệt, tôi chán hoặc tôi "thèm người" chẳng hạn. Tôi một mình và tôi cần người nói chuyện nhưng rõ ràng gia đình không phải là sự lựa chọn tốt. Bạn bè thì nhiều nhưng không phải ai cũng thích hợp để nói. Thích hợp hơn là có một người bạn thân khác giới nhưng tệ thật, người đó có người yêu rồi và làm phiền nhiều là không tốt.

Đó là vào một lúc nào đó, khi tôi và một vài người bạn đang ngồi nói chuyện, tôi kể về chuyện độc thân của mình tự nhiên và nhẹ nhàng như thể một đứa trẻ khoe phiếu bé ngoan thì họ - những người đã hết độc thân quay sang nhìn tôi bằng một con mắt tò mò, ái ngại xen lẫn thương cảm như thể tôi là một gã đàn ông xấu xí ăn mặc kì quái và ngồi ở ven đường ăn xin vậy. Họ hoặc là động viên an ủi tôi sớm kiếm người yêu, hoặc là giới thiệu cho tôi một người nào đó hoặc thậm chí chả làm gì, chỉ cần cái ánh mắt kia là tôi cảm thấy đủ khó chịu rồi. Nhiều người lí tưởng hóa tình yêu, họ coi tình yêu là một thứ gì đó thần kì, như vậy thì có lẽ họ không nên tầm thường nó bằng cách coi nó là nhu cầu cơ bản của con người như ăn cơm với hít thở mới đúng. Phải chăng vì những lí tưởng hóa đó mà không ít người sau khi chia tay đã nghĩ đến những điều tiêu cực và có thể là bỏ cả mạng sống của bản thân mặc cho bao nhiêu người quan tâm đau buồn.

Dù có nhiều lúc không được thoải mái lắm, nhưng tôi đã luôn vượt qua nó. Tôi vẫn đi chơi vào những ngày lễ tết bình thường nếu tôi có hứng, nếu không tôi sẽ ở nhà chơi game hoặc online chém gió với những người độc thân khác. Tôi sẽ đi ngủ kèm theo với tiếng nhạc hoặc là nhắn tin cho những người bạn lâu không nói chuyện hoặc làm gì đó khác nếu tôi cảm thấy không vui. Tôi sẽ nói sang chuyện khác hoặc vặn vẹo lại tí chơi hoặc cho họ thấy độc thân thú vị thế nào nếu tôi nhận được ánh mắt thương hại từ những người hết cô độc. Tôi không muốn (hay chưa muốn) vì cả năm có vài ngày lễ tết, vài ngày buồn chán mà phải thúc giục mình đi kiếm người yêu. Như thế quả thật có gì đó rất không ổn, nhất là khi tôi phải đánh đổi rất nhiều ngày tự do thoải mái nữa.

Yêu và không yêu đều là những chiếc bánh có nhiều mùi vị khác nhau. Ngọt có, mặn có, đắng có, cay có. Nếu đang ăn cái bánh nào thì có lẽ cũng nên thưởng thức hết cái bánh đó đi trước khi chuyển sang cái bánh khác.

Và thế là tôi vẫn độc thân...