30 May 2013

Mục tiêu tháng 6-7-8

Standard
Sẽ rất khó để viết ra những điều này và khó hơn gấp tỉ lần để thực hiện chúng.
Hình ảnh phía trên là chiếc máy tính Dell Vostro 5460 - mục tiêu 3 tháng sau của t.



Tất nhiên, không thể ngồi ngáp hoặc chờ ai đó đánh rơi mà có máy được.
Giá em này là 15 triệu (tính thế cho tròn). Có được em này đồng nghĩa với việc t phải đủ tiền để trang trải cuộc sống, ngoài ra phải dư ra một khoản nữa.
Tính các khoản chi trước:
Trong 1 tháng có các khoản cố định sau:
1. Tiền nhà: 1.100k
2. Tiền điện, nước, net: 250k
3. Ăn: 1.500 đ (đùa chứ, 1 bữa ở công ty, 1 bữa ở nhà mà ở nhà nấu 1 bữa còn tốn kém hơn ăn ngoài =.=)
4. Tiền xăng: 250k
5. Tiền điện thoại: 100k (thiếu đâu lấp các khoản trên sang vậy)
6. Các khoản khác: 300k (hi vọng đủ)
Tổng các khoản chi trong 1 tháng là 3500k, 3 tháng là 10500k. Tính cả tiền mua em laptop là 25500k (may quá, ít hơn tính toán ban đầu là 4500k)

Các khoản thu cố định hàng tháng:
1. Tiền trợ cấp của bố mẹ: 2.000k
2. Tiền gia sư: 1.000k
Tổng cộng: 3.000k, 3 tháng là 9.000k
Còn thiếu 16.500k nữa. Mục tiêu các tháng kiếm lần lượt 2,3,4 tài khoản ủy thác 50 trđ. Phải cố gắng hết sức thôi.
Chờ đến ngày 1/9 xem mình có thực hiện được nó không

25 May 2013

[Cafe thứ 7] (Tôi là ai?) Chuyện góc nhìn.

Standard
Đây là một bài viết PR bản thân rẻ tiền, nếu bạn muốn đọc một bài đắt tiền hơn xin vui lòng rút ví và thanh toán.

(TÔI LÀ AI?) CHUYỆN GÓC NHÌN.

Hôm trước đang chém gió trên Facebook thì có bạn vào hỏi một câu hồn nhiên: "B co binh thuong ko?" (vietsub: Bạn có bình thường không?). Khá là dốt khi lúc đó tôi chỉ trả lời lại bằng một câu khẳng định chắc chắn là "không" mà không hỏi xem đối với bạn ấy như nào là bình thường. Có lẽ cái "bình thường" của bạn ấy khác với cái "bình thường" của tôi cũng nên.

Bình thường là gì?

Tôi vốn luôn là một thằng dốt tiếng Việt, đã dốt tiếng Việt, lại còn nghèo nữa nên tôi không có được quyển từ điển tiếng Việt cho riêng mình. Thế là tôi đành lọ mọ lên hỏi Google và kết quả tôi tìm được trên một trang gọi là Wikipedia cái định nghĩa: Bình thường là "không có gì khác thường, không có gì đặc biệt", vậy "khác thường" là gì? "không có gì đặc biệt" là gì? Khác thường là "đặc biệt, không bình thường" (Ôi! Tôi muốn đập máy tính của mình quá). Đặc biệt là "khác hẳn những trường hợp thông thường về tính chất, tính năng hoặc mức độ". Thông thường là gì? (zzz...). Thông thường: "thường có, thường thấy ở nhiều nơi". Sau một hồi lòng vòng đến phát buồn ngủ với mấy định nghĩa trên Wikipedia, tôi có thể tóm lại một cách nhẹ nhàng: bình thường là cái thường có, thường thấy. Vậy "thường" là gì? ...
Thôi, tôi đi ngủ đây. Tí dậy viết tiếp zzz....

Tôi có bình thường không?

Xét theo một góc độ nào đó thì tôi là một người hoàn toàn bình thường. Tôi có đủ tay, đủ chân. Mắt, mũi, tai không có dị tật gì ngoại trừ việc thị lực bị kém đi do chơi game nhiều, nhưng bạn bè tôi cũng nhiều người cận nên điều đó cũng không có gì là bất thường cho lắm. Tôi hơi gầy, kể cả tôi có trở thành người gầy nhất Việt Nam thì tôi tin chắc cũng có rất nhiều người gầy, chỉ có điều họ không bằng tôi mà thôi nên điều này chắc cũng không thể coi là không bình thường. Nếu bạn hỏi xem tôi có bình thường không ở trên quan niệm giống bạn ấy là bình thường thì có lẽ tôi khác bạn ấy ở các cơ quan sinh dục và hoóc-môn giới tính. Vì cái hoóc-môn giới tính đó mà tôi và bạn ấy có nhiều điểm khác nhau, tuy nhiên trên Thế giới có gần 3 tỉ rưỡi người giống tôi nên không thể nói tôi đặc biệt được. Vì lượng testosterone trong người tôi đủ để tôi cảm thấy thích thú khi nhìn các cô gái trẻ đẹp và thích thú hơn khi các cô gái đó mặc ít quần áo hơn nên kể cả có theo quan điểm của những kẻ cổ hủ về quan niệm giới tính là con trai phải yêu (và làm chuyện đó) với con gái thì tôi thấy mình cũng vẫn hoàn toàn bình thường. Vậy xét về sinh lí và giải phẫu cơ thể, tôi cũng giống như nhiều người khác, và nếu có khác thì cũng chưa đủ để tôi tự biến mình thành người đặc biệt được.

Tôi sinh ra ở một gia đình vùng quê. Bố tôi là con của ông bà nội tôi, mẹ tôi là con đẻ của ông bà ngoại tôi. Cả nhà bố tôi và nhà mẹ tôi đều rất đông anh em nên tôi cũng có rất nhiều các chú, các bác, các cô, các cậu, các mợ và tất nhiên là rất nhiều anh em nữa. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng có gì đặc biệt, hàng triệu gia đình khác trên cái đất nước hình chữ S này cũng giống gia đình tôi. Tôi bắt đầu học mẫu giáo vào cái năm mà những thằng sinh năm 91 khác cũng bước vào mẫu giáo, từ lớp 1 đến lớp 12 chưa bao giờ phải học 1 lớp trong 2 năm liền. Tôi từng làm "dân thường", tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó, bàn phó,... nhưng bất kì một học sinh nào cũng có thể có các chức danh hoặc là được phong, hoặc là tự phong như tôi nên điều đó cũng chẳng có gì bất thường ở đây hết.

Sau 12 năm học và sống cùng gia đình, tôi rời gia đình và lên Hà Nội học như bao nhiêu người khác. Tôi học ở ngôi trường mà mỗi năm tuyển sinh đến 3000 người, học ở cái khoa mà khóa tôi có đến gần 650 người. Giống như bao thằng con trai lười học khác, tôi ham chơi game (cụ thể là thích đánh dota), thi thoảng trốn học, hiếm khi làm bài tập và tất nhiên tôi nhận được những điểm số lẹt đẹt. Điều đó cũng chẳng là gì khi những thằng con trai lười đều giống tôi. 
Tôi thích nhạc Âu - Mĩ, thích rock, dạo gần đây có nghe nhạc Việt và nhiều bài nhạc trẻ, điều này chắc cũng chẳng đặc biệt lắm. Tôi thích đội bóng có lượng fan và antifan đông đảo nhất Thế giới, cạnh tranh ngôi vô địch ngoại hạng hàng năm, thật chẳng có gì là lạ ở đây cả.

Đọc nãy giờ chắc bạn cũng hình dung ra tôi phần nào, chẳng có gì đặc biệt phải không? Nhưng bạn kia đã hỏi tôi "b co binh thuong ko?" vậy chắc chắn tôi phải có điểm nào đó mà không giống đa số người khác rồi. Thế nên bạn ấy mới phải hỏi chứ.

Tôi khác thường chỗ nào?

Thứ nhất, tôi thông minh. Tôi chẳng có gì phải ngại ngần khi nói ra điều này cả. Thực tế nó là như vậy. Trong một bài trắc nghiệm IQ của trong IQtest.vn mà tôi phải mất 15.000đ để biết được kết quả thì tôi đạt IQ là 135, tuy nhiên theo tôi thì kết quả đó có được do kinh nghiệm làm các bài IQ test trước đó một phần. Có lẽ IQ của tôi rơi vào khoảng 120-125 gì đó thì chính xác hơn. Thảo nào cũng có bạn đọc đến đây bảo tôi đang khoe khoang. Xin thưa tôi chẳng khoe khoang gì cả. Khoe khoang thì phải có cái gì đó đáng giá để mà khoe, với tôi IQ cao cũng chỉ như hoa tay thôi, bình thường lắm, nó chẳng phải do mình cố gắng mà thành nên chẳng có gì đáng để tự hào và khoe khoang cả. Mà quan điểm của các nhà khoa học cũng đã khác, IQ không phải là nhân tố chính để có được thành công nữa mà là EQ (chỉ số cảm xúc). EQ thì có thể rèn luyện được nên ai có được EQ cao mới đáng để tự hào.

Thứ hai, tôi tự thấy mình khá đa nhân cách, không biết có phải triệu chứng ban đầu của tâm thần phân liệt không nữa. 
Tôi thuận tay phải và như rất nhiều người thuận tay phải khác, tôi sử dụng bán cầu não trái nhiều hơn. Mà bán cầu não trái lại là nơi xử lí các thông tin thiên về logic nên chẳng lạ lùng gì khi tôi sống khá là thực dụng, biết nghe lời lí trí (và theo một nghiên cứu thì lí trí và tình cảm có mối liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau chứ không tách rời như nhiều người vẫn tưởng). Nhưng ngược lại, tôi luôn tự nhắc nhở mình sử dụng nhiều hơn tay trái, tư duy trừu tượng nhiều hơn nên nhờ đó mà tôi có được những so sánh mà nhiều người bảo là thú vị.
Tôi thực dụng và tôi lãng mạn, tôi lạnh lùng và tôi nồng nhiệt, tôi lí trí và tôi tình cảm. Dường như có rất nhiều con người bên trong cái thân xác của tôi. Và vì có nhiều con người trong một thân xác như thế nên tôi có thể quan sát những sự việc ở nhiều góc độ khác nhau, nhìn theo nhiều hướng khác nhau và đưa ra nhiều quan điểm đối lập nhau. Tôi biết người bạn kia hỏi tôi như vậy vì bạn ấy thấy rằng tôi đã đưa ra những quan điểm chẳng-giống-ai và nói thẳng ra là đi ngược lại quan điểm của rất nhiều người.

Chuyện góc nhìn

Bạn có bao giờ tự hỏi "tại sao lại thế", bạn có bao giờ thử hỏi "nếu ngược lại thì có đúng hay không"? Thực ra, tôi tin khi còn bé, chúng ta vẫn thường hỏi những câu hỏi đại loại như tại sao trời lại xanh, tại sao nước biển cũng màu xanh, tại sao khi di chuyển mặt trời cũng như đi theo ta? Thường thì sau khi đặt những câu hỏi như thế, chúng ta nhận lại được thái độ khó chịu của người lớn kèm theo đó là câu trả lời "tự nhiên nó thế". Trong suốt 12 năm học, chúng ta học rất nhiều nhưng đa phần các kiến thức chúng ta được học vẫn luôn ở cái dạng "A là A" và chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để ghi nhớ chúng thay vì đặt câu hỏi tại sao A lại là A, điều gì xảy ra khi A là B. Từ cách học đó, chúng ta dần thừa nhận mọi thứ mà những người khác thừa nhận, chúng ta không dám nghĩ khác đi, không dám tìm hiểu và không dám phản biện lại nó. Nhưng liệu những điều chúng ta đang tin có thực sự là đúng?

Tôi nghĩ rằng những điều chúng ta đang tin vẫn sẽ luôn là đúng cho đến khi chúng ta tiếp cận một quan điểm khác chứng tỏ cái chúng ta nhìn thấy chỉ là cái chúng ta muốn thấy, thực sự nó không giống những gì ta thấy.  Chúng ta cần hơn những quan điểm trái chiều, những góc nhìn đa dạng hơn là đánh giá vấn đề một cách phiến diện và không có chiều sâu, theo số đông mà mất đi đánh giá chính xác của mình. Chúng ta cần hơn những phản biện xã hội. Nếu chỉ nhìn từ Trái đất, mặt trăng chỉ có mỗi hình ảnh như chúng ta vẫn nhìn, nhưng nếu có thêm góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy toàn bộ mặt trăng.

Nhiều người đọc blog của tôi, status của tôi hay các comment của tôi sẽ đọc được những ý kiến phản bác, những chỗ sai, những điểm yếu của những cái mà mọi người mặc nhiên coi là đúng. Giờ đây, truyền thông có sức mạnh thật đáng sợ, những con người làm truyền thông, đôi khi vì một lí do nào đó sẽ hướng tất cả mọi người hòa vào một dòng suy nghĩ. Và với cái tâm lí đám đông vốn có, chúng ta rất dễ coi cái mà "nhiều người nghĩ " sẽ là đúng mà ai biết được rằng những người kia nghĩ thế vì biết chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một người không nghĩ thế. Cũng đáng để chúng ta đặt câu hỏi chứ? Cũng đáng để chúng ta đánh giá lại chứ?

Thật tiếc vì ở Việt Nam, văn hóa tranh luận, văn hóa phản biện còn rất hạn chế. Nhiều người thậm chí còn sợ tranh luận (tôi phát hiện ra số bạn của mình đã giảm bớt vài người khi tôi đăng status về Nick, có lẽ họ sợ phải đối mặt với các quan điểm của tôi nên chọn giải pháp lẳng lặng bỏ đi), nhiều người tranh luận nhưng lại không phải tranh luận, họ công kích cá nhân, lợi dụng quyền lực hay làm gì đó thay vì đối mặt và đưa ra các luận điểm chứng tỏ mình đúng. Những người như vậy thực sự chỉ là thiệt cho bản thân. Sự thật sẽ chẳng bao giờ được phơi bày với những con người bảo thủ đó. Điều gì xảy ra nếu một ngày, điều mà họ tin tưởng bấy lâu bị chứng minh là sai lầm và đem lại hậu quả nghiêm trọng? Có thể họ suy sụp, mất niềm tin hoàn toàn cũng nên. Tôi không nghĩ rằng việc tập quan sát sự việc dưới nhiều góc nhìn, việc rèn luyện văn hóa phản biện hay văn hóa tranh luận sẽ giúp những người thực hiện thoát khỏi cảnh suy sụp khi niềm tin bị phá vỡ nhưng tôi tin niềm tin của những người đó sẽ sáng suốt và vững trãi hơn rất nhiều.

Bây giờ, bạn coi phần đầu của tôi là phần tự sướng khoe khoang hay là một phần mở đầu thú vị giúp bạn hiểu hơn về tôi? Điều đó phụ thuộc vào góc nhìn của bạn, còn với tôi thì sao cũng được. Nếu bạn thấy tôi sai, bạn không thích tôi, chúng ta hoàn toàn có thể trao đổi mà.

Quay trở lại câu hỏi của ở đầu bài: Tôi có bình thường không?

May mắn là tôi đọc được dòng này trên một trang nào đó: "thói thường mọi người vẫn nghĩ cái gì là phổ biến, là chiếm số đông là bình thường, còn cái gì ít thì coi là bất thường. Thực tế trong khoa học thì không phải như vậy, có những cái ít vẫn gọi là bình thường". Tôi thuộc số ít, nhưng tôi hoàn toàn bình thường nếu nhìn từ góc nhìn của những nhà khoa học.

____________________________________________________


22 May 2013

...

Standard


Đôi lúc thấy mình thật đáng thương

Như con dê nhỏ lạc mất đường.

Đồng rộng mênh mông không một lối

Một mình lăn lội với gió sương.

19 May 2013

[Cafe thứ 7] Chuyện làm thêm

Standard


Ở blog trước, tôi đã nói về chuyện cái bằng và trong chuyện cái bằng đó có nói đến giá trị của cái bằng khi đi xin việc. Thật vui mừng khi hồ sơ của bạn được chọn vào vòng phỏng vấn. Khi bắt đầu phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể rút bảng điểm ra và xem lại nhưng theo như một anh "sếp" của tôi có nói lại rằng thực ra lúc đó anh cũng chỉ lướt qua cái bảng điểm thôi chứ chẳng quan tâm gì đến nó. Nếu người phỏng vấn bạn có hỏi xem bạn học trường gì, tốt nghiệp loại gì thì hãy tin rằng đấy chỉ là một trong các câu hỏi vô nghĩa để họ có thể xác định tạm thời bạn là ai giống như các câu hỏi kiểu như "em tên gì?", "em quê ở đâu?" thôi, họ có thể chẳng đánh giá gì bạn đâu. Những câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá bạn có thể bắt đầu bằng câu: "Em có kinh nghiệm gì trong công việc này chứ?". "F***, đùa chắc, tôi mới ra trường thì kinh mới cả nghiệm gì chứ?Anh muốn ép giá tôi thì nói thẳng ra luôn đê" - có thể trong đầu bạn sẽ nghĩ thế. Sẽ hay hơn nếu bạn trả lời rằng: "Thực sự em chưa có kinh nghiệm gì trong công việc này, nhưng khi còn trên ghế nhà trường em cũng có làm các công việc liên quan như..."

Chuyện làm thêm.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều không muốn đứa con của mình đi làm thêm.

Đầu tiên, họ sợ những đứa con của mình mệt, sợ bạn không có thời gian. Mà sợ bạn mệt cũng đúng, sợ bạn không có thời gian cũng đúng. Thử nghĩ xem, khi còn học THPT, bạn có thể chẳng bao giờ phải đụng vào cái chổi quét nhà, cái giẻ rửa bát hay chả bao giờ phải bật cái bếp ga cho bạn “chẳng có thời gian” để mà đụng vào chúng. Mà kể cả nếu có đụng thì tôi tin là bố mẹ bạn đã giúp bạn giảm thời gian phải đụng vào chúng khá nhiều rồi ấy. Giờ, khi đã xa rời vòng tay bố mẹ, bạn sẽ phải tự làm tất cả chúng. Phải quét nhà, giặt quần áo, nấu cơm, rửa bát và vô số các việc làm không tên nữa, rồi chưa kể phải học hành, phải tham gia hoạt động này, hoạt động nọ, chẳng mệt bở hơi tai ấy chứ, sức lực và thời gian đâu mà làm thêm nữa. Nếu còn thời gian và sức lực, bạn nên dành vào việc học hoặc nghỉ ngơi thì vẫn hơn.

Thứ hai, bố mẹ bạn có thể sợ bạn mới bắt đầu quá trình tự lập, mới bước ra cuộc sống có nhiều cám dỗ mà bạn thì còn nhiều bỡ ngỡ, ngu ngơ, sẽ chẳng bất ngờ nếu bạn trở thành con mồi trong mơ của một tay lừa nào đó. Điều này là hoàn toàn có thật. Rất nhiều bạn trẻ khi mới bước vào môi trường mới do thiếu kiến thức và thừa mơ mộng kèm theo chút ham muốn nên đã trở thành nạn nhân xấu số của một số tay đào lửa. Nhẹ thì mất ít tiền, nặng hơn thì mất nhiều tiền và đôi lúc là mất cả niềm tin, cơ hội và vô vàn những thứ không sờ, không nắm được nữa. Vậy nên, có lẽ lặp đi cái vòng tuần hoàn ngủ - học – chơi – ăn – ngủ hàng ngày, không tham gia làm bất kì công việc làm thêm nào là một giải pháp hữu hiệu để bạn không bị lừa.

Thực tế thì thế nào?

Thời gian và sức lực?

Thực ra thì đa số sinh viên không sử dụng hiệu quả hết thời gian của mình.

Một ngày bạn ngồi Facebook hết bao nhiêu thời gian? Trong thời gian ngồi Facebook đó, bao nhiêu thời gian bạn dành để xem cập nhật trạng thái của bạn bè, đọc những tin tức trên trang chủ, xem những ảnh và đọc những đoạn note. Bao nhiêu thời gian bạn dành để đọc và trả những cái tag vô nghĩa, lan truyền những thông tin không chính xác, click những nút like lạnh lùng? Bao nhiêu thời gian bạn dành để đăng status, để comment và chờ người khác comment để comment tiếp? Có thể bạn bảo đăng status, comment để người khác có cơ hội quan tâm đến mình và thể hiện sự quan tâm của mình đến người khác nên thời gian đó không lãng phí nhưng chắc chắn thời gian chờ để comment chắc chắn là lãng phí rồi. À, vậy bao nhiêu status của bạn là tâm trạng thật, bao nhiêu comment của bạn là nói về đúng cái bạn đang quan tâm chứ không phải là chỉ viết cho vui chứ chả để làm gì?
Không ngồi Facebook nữa nhá, một ngày bạn học mấy tiếng? Người ta khuyên là học 30 phút thì nên giải lao 5-10 phút và không học quá 2 tiếng cho mỗi lần. Sau đó ăn, chơi rồi học tiếp (nếu muốn). Nhưng thực ra, trong lúc học, bạn dành bao nhiêu thời gian để thực học mà không phải để cắt móng tay, để ngáp, để kiếm cái gì đó ăn và ăn,… Chắc chắn cũng không ít đâu.

Không học nữa, đi chơi. Bạn chơi mấy tiếng mỗi ngày? Và bao nhiêu thời gian chơi đó giúp bạn sảng khoái và phục hồi năng lượng? Bao nhiêu thời gian khiến bạn mệt và yếu hơn?
Nếu mà tính toán chi tiết ra thì một ngày bạn có thể lãng phí đến 6 tiếng (như chính tôi từng tính cho mình), và nếu dành một phần trong 6 tiếng đó để đi làm thêm thì tôi tin bạn cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đâu (cách tính nằm ở cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”, các bạn có thể tham khảo). Đó là tôi chưa nói đến một quy luật của kinh tế học là lợi ích cận biên giảm dần nữa đấy. Đơn giản của quy luật này là khi bạn đói và ăn phở thì bát phở thứ hai bạn sẽ không cảm thấy ngon bằng bát phở thứ nhất và các bát phở sau sẽ ngày càng tệ hơn cho đến khi bạn cảm thấy việc ăn phở là cực hình. Có lẽ bạn nên dừng khi cảm thấy đủ no sau bát phở thứ nhất hoặc cùng lắm là thứ hai. Việc sử dụng thời gian cũng tương tự như vậy. Dùng quá nhiều thời gian cho một việc sẽ khiến hiệu quả kém đi và tốt hơn hết là nên dùng thời gian có hiệu quả.
Sức lực cũng tương tự vậy. Nếu ta thu xếp tốt thì làm thêm cũng chẳng khiến bạn mệt lắm đâu. Nhất là làm những công việc mà bạn thích còn có thể khiến bạn khỏe hơn ấy chứ.

Còn chuyện bị lừa à?

Bạn có nghĩ khi 4 năm không va chạm xã hội thì khi ra ngoài xã hội bạn sẽ không bị lừa? Bạn không thể chạy trốn xã hội mãi được. Hãy học cách suy nghĩ, cảnh giác và đề phòng cạm bẫy trước còn hơn. Chí ít là để đến khi ra trường bạn không còn mắc vào những trận lừa sơ đẳng.

Vậy xem ra nên bỏ chút thời gian đi làm thêm thì vẫn hơn. Vậy làm gì?

Làm gì thì phải xem mục tiêu của bạn là gì. Bạn cần tiền hay kinh nghiệm? Nếu cần tiền thì lời khuyên chân thành dành cho các bạn là đi gia sư. Gia sư là cái nghề kiếm tiền dễ nhất, nhiều nhất, nhàn nhất và ít áp lực nhất. Vấn đề của bạn là kiếm được chỗ dạy nào đó ngon ngon một tí là được. Chỉ cần học trò không quá dốt (thực ra, có không học được thì mới cần nhờ các bạn) nhưng phải chịu học, không quá lười (lười là bệnh của cả sinh viên nữa chứ đừng nói là học sinh) là được. Thêm vào đó, giá cả, giờ dạy, số buổi nên thương thuyết cụ thể ngay từ đầu với chủ nhà và nếu chủ nhà có các chế độ bồi dưỡng thêm thì quá tốt. Vấn đề là làm sao để có được chỗ dạy “ngon ngon” như thế thôi. Đầu tiên là hãy nhờ quan hệ, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Nếu bất đắc dĩ lắm thì hẵng ra các trung tâm gia sư. Mà nhớ tìm trung tâm nào uy tín một tí. Nếu tôi có thằng bạn nào mở trung tâm gia sư, tôi sẽ quảng cáo ngay. May mà không có, các bạn lên mạng tìm vậy :)). Đi làm gia sư bạn chỉ dễ kiếm tiền thôi, quan hệ có thể có một chút nữa chứ kinh nghiệm cũng chẳng nhiều lắm đâu (trừ khi bạn học sư phạm). Thực tế là tôi chẳng bao giờ ghi “gia sư” vào phần kinh nghiệm mà mình có được cả. Nếu bạn muốn có kinh nghiệm thì hãy làm những công việc có liên quan đến những việc mình sẽ làm sau này. Một cách nữa là kết hợp làm gia sư để lấy tiền và làm việc khác để lấy kinh nghiệm. Nhưng mà thế sẽ mệt ấy. Mà thôi, phần này tôi viết ít thôi, chủ yếu là viết thêm ấy mà. Việc các bạn phải tự tìm chứ.

Chúc các bạn làm việc vui vẻ.
_______________________________

11 May 2013

[Cafe thứ 7] Chuyện cái bằng - gian lận thi cử

Standard
Qua góc nhìn của một sinh viên dốt.

Chuyện cái bằng.

Thành quả sau mấy năm miệt mài đèn sách trên ghế giảng đường sẽ được ghi lại ở cái bằng. Cái bằng quan trọng không? Người bảo có, kẻ bảo không. Tất nhiên, cả người bảo có, kẻ bảo không đều có lí do để bảo vệ quan điểm của mình mà thoạt nghe, ai cũng thấy đúng cả. 

Kẻ bảo không nói rằng:

1. Cái bằng không đánh giá được tất cả, kết quả trên cái bằng không phản ánh hết năng lực cá nhân.
2. Kiến thức được học là quá nhiều và khi ra ngoài đi làm, ta chỉ sử dụng một số ít trong đó, còn đâu chúng ta sẽ được đào tạo lại để phù hợp với từng nghề.
3. Có thể người học được nhưng hôm đi thi thì ốm, ngã xe hay gì đó nên không làm được bài; cũng có thể những người chẳng học gì nhưng chép được hoặc bằng một cách nào đó được thầy cô giáo ưu ái nên điểm cao. Vậy nên kết quả trên cái bằng là không chính xác.
4. Người ta học một đống kiến thức vào rồi quên hết nó sau mấy tháng, mấy tuần, thậm chí mấy ngày nên điểm số trên bảng điểm cũng chẳng phản ánh được gì.

Người bảo cái bằng quan trọng thì nói ít hơn, họ bảo rằng "mày thử ra trường với cái bằng trung bình là biết ngay". Và thế là kẻ bảo "không" cũng sợ phần nào.

 Rốt cuộc thì ai đúng, ai sai. Cái bằng quan trọng không? Câu trả lời là có hoặc không.

Có khi nào? 

1. Khi xin việc khác hoàn toàn với việc đi thi đại học. Khi đi thi đại học, bạn nộp hồ sơ, các trường có trách nhiệm sắp xếp cho bạn được phép đi thi và bạn có thời gian là mấy tiếng để thể hiện hết khả năng của mình. Khi xin việc thì khác, các nhà tuyển dụng không có trách nhiệm phải thu xếp để phỏng vấn hết với các bạn. Họ có quyền chọn những người theo họ là có khả năng để phỏng vấn và sắp xếp vào các công việc phù hợp. Hãy nhớ rằng "theo họ", còn thực sự bạn có khả năng hay không thì đó là chuyện của bạn, không phải chuyện của họ. Họ hoàn toàn có quyền vứt hồ sơ của bạn vào trong thùng rác, mà vứt vào thùng rác là còn may, họ có quyền trả lại bạn để bạn tự tay vứt vào thùng rác, như thế còn đau đớn hơn nhiều. Mà bạn biết đấy, khi có quá nhiều tiêu chí mà ứng viên nào cũng nói na ná nhau, rất khó kiểm chứng ngay thì họ - những nhà tuyển dụng sẽ buộc phải nhìn vào cái bảng bằng, cái bảng điểm - những cái cụ thể đến không ngờ. Cụ thể đến không ngờ là như thế nào? Là thế này này, có rất nhiều các anh chàng tự khoe là thân thiện, hòa đồng, khả năng nói chuyện tốt nhưng khi gặp mặt, họ chỉ cần nói câu thứ 3 thôi là lập tức tôi buồn đi tè, tôi phát hiện mình có việc bận hoặc là tôi để quên quần nhà cô bạn gái. Người tuyển dụng cũng vậy, họ biết các kĩ năng của bạn có thể đang được phóng đại hoặc đang được bạn mượn của ai đó khác mang vào hồ sơ. Nhưng bảng điểm thì khác, một anh chàng được A tất cả các môn chuyên ngành chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn một anh chàng toàn C-D rồi. Tất nhiên, khi phỏng vấn, những nhà tuyển dụng có thể gặp một anh chàng toàn A nhưng hỏi chả biết gì, kể cả trong trường hợp đó thì nhà tuyển dụng sẽ thở phào vì mình không mất thời gian để phỏng vấn thêm rất nhiều người như anh ta hơn là cảm thấy hối hận là mình đã bỏ đi những hồ sơ không đẹp nhưng người có thể "đẹp". Hãy nhớ, bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất (năng lực mới thực sự quan trọng), nhưng khi chưa ai kiểm chứng được năng lực của bạn thì bằng cấp là thứ rất quan trọng ấy.

2. Bất kì doanh nghiệp nào cũng muốn có những nhân viên cần cù, chăm chỉ, luôn cố gắng đạt hiệu quả cao trong công việc. Bạn bảo rằng bạn là người như thế? Tốt thôi, vậy tại sao khi công việc quan trọng nhất của bạn là học, bạn lại không cần cù, chăm chỉ, cố gắng. Bạn bảo vì bạn không thích học những cái đó. Ok, vậy làm thế nào để những nhà tuyển dụng biết bạn thực sự thích làm ở chỗ của họ. Họ có thể không chắc chắn rằng những người qua vòng hồ sơ là những người chăm chỉ, cũng không chắc chắn những người bị loại không có những người chăm. Nhưng chắc chắn rằng họ đã loại bớt đi không ít người lười. Hãy tin như thế.

Tất nhiên là không phải lúc nào cái bằng cũng quan trọng như nhau. Trong một số trường hợp nó gần như chả có giá trị gì ngoại trừ một tờ giấy để hợp thức hóa mọi chuyện. Các trường hợp đó là:

1. Bạn có quan hệ. 

Khi bạn có quan hệ với một ông "sếp" nào đó, có thể là chú, bác hay người quen nào đó của bạn. Họ có thể cất nhắc bạn để làm một việc nào đấy, tất nhiên trụ được lại hay không thì đó là chuyện của bạn. Chí ít bạn có việc cái đã.

2. Bạn không có công việc nhưng bằng một cách nào đó bạn đã thể hiện được khả năng. 

Ví dụ nhá, tôi có thằng bạn học dốt (nó và gia đình nó bảo thế), nhưng trên lĩnh vực SEO thì nó chính là chuyên gia (chí ít là đối với tôi thì như thế). Nó chả làm gì ngoại trừ làm cho cái site phim của nó đứng đầu trong danh sách tìm kiếm của rất nhiều phim. Và thế là nó chẳng khó khăn gì để vào làm ở các công ty công nghệ ở Việt Nam, và cũng chẳng ai buồn để ý đến việc nó từng trượt đại học và bây giờ đang phải nợ bằng do trong kì thực tập nó mải làm quá nên ...  quên trả bài nữa. Nó vẫn kiếm tiền từ site phim của nó và không ngừng kiếm tiền bằng cái site khác nó lập ra. Nếu bạn làm được như nó thì ok, cái bằng chẳng còn giá trị nhiều lắm.

Nhưng hãy nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy thích thú khi làm ở những chỗ người quen giới thiệu và kể cả ở một lĩnh vực bạn là chuyên gia thì khi bạn có cái bằng loại giỏi về lĩnh vực đó thì mọi người vẫn tôn trọng bạn hơn rất nhiều. 

Chuyện gian lận thi cử.

Trong môi trường đại học, nói đến chuyện gian lận thi cử, khi hỏi 100 người thì chắc có đến 99 người phản đối chuyện gian lận; nhưng khi hỏi có gian lận không thì cũng phải có đến ngần đó người trả lời "có".

Gian lận thi cử là những gì? Là quay cóp, là đi điểm, là tất cả những biện pháp làm tăng số điểm trong các bài kiểm tra mà không phải bằng kiến thức và khả năng. 

Xét trên góc độ xã hội thì chuyện gian lận thi cử rõ ràng là không tốt, nó tạo ra những con người với năng lực giả tạo, những cái bằng không phản ánh thực tế và nó ảnh hưởng đến những người có cái bằng phản ánh đúng thực tế. Mà để chống gian lận trong thi cử thì cần phải có sự cương quyết, đồng lòng của nhà trường, sinh viên và toàn xã hội. 

Nhưng mà khi các nỗ lực chống gian lận thi cử của nhà trường còn chẳng thấm là bao, nạn bán điểm hay dễ dàng cho sinh viên quay cóp vẫn còn thì câu trả lời cho mỗi bạn là: "Đừng chống lại nó, hãy chấp nhận nó". Bạn có thể muốn mình là một người trung thực, nhưng xin thưa các nhà tuyển dụng sẽ chẳng biết bạn trung thực đến mức nào đâu, nhưng nếu bạn học dốt thì họ biết. Thậm chí chính bạn khi đi xin việc, khi đi làm cũng chẳng dám hãnh diện và khoe với nhà tuyển dụng rằng mình trung thực đâu, bạn thấy xấu hổ vì điểm số của mình thì có lẽ nhiều hơn. Vậy nên tôi khuyên bạn là hãy làm cho điểm mình cao nhất có thể, kể cả là bằng những cách không chính đáng. Bạn sẽ cảm thấy có lỗi, cảm thấy lương tâm cắn dứt nhưng cảm giác đó sẽ không diễn ra lâu đâu. Bạn sẽ quên nhanh thôi. Nhưng cảm giác kém tự tin khi bảng điểm xấu sẽ theo bạn mỗi khi bạn cầm hồ sơ đi xin việc ấy, và đôi lúc, để trả giá cho việc ấy, bạn sẽ phải hạ thấp mức lương của mình, hạ thấp các yêu cầu của mình, chấp nhận làm việc trong cái điều kiện mà không xứng đáng dành cho bạn.

Nhiều bạn đọc đến đây sẽ bảo rằng tôi đang tuyên truyền cho việc gian lận thi cử. Xin thưa là không. Tôi chỉ bảo bạn hãy cố gắng để đạt điểm cao nhất có thể thôi. Nếu bạn sử dụng các biện pháp không được trong sạch lắm thì đó là lỗi của bạn. Khi bạn sử dụng các biện pháp gian lận, bạn có thể gặp rủi ro (khi quay cóp), hoặc cả rủi ro lẫn mất tiền (khi "đi thầy"). Tất cả những rủi ro đó nếu gặp phải và cả số tiền bạn mất nữa, đều sẽ do bạn chịu trách nhiệm cả. Cuộc sống công bằng lắm, nếu bạn không chăm chỉ, bạn sẽ phải trả giá bằng ví tiền của mình (bằng cách này hay cách khác), thế thôi. Bạn cảm thấy có lỗi, cảm thấy cắn dứt lương tâm? Nên thế! Nếu bạn còn cảm thấy thế, chứng tỏ tính trung thực của bạn vẫn còn, hi vọng bạn có thể cố gắng học hơn để không phải làm lại cái việc tội lỗi này nữa. Còn bạn nào gian lận nhiều quá nên "trơ" rồi, chả cảm thấy gì nữa thì tôi cảm thấy buồn vì bạn. Tôi chỉ thấy buồn vì bạn thôi chứ tôi chẳng đánh giá về bạn là thiếu đạo đức hay thế này thế kia cả, đơn giản là tôi thấy buồn thôi. Chí ít bạn đã thành công hơn tôi ở điểm vận dụng và chấp nhận các quy luật của xã hội, còn việc bạn có phải trả giá bởi niềm tin, sự tôn trọng của những người xung quanh hay không thì tôi không chắc.

Lời kết

Bằng cấp không quan trọng, nhưng hãy cố gắng làm đẹp nó, nếu không bạn sẽ thấy nó rất quan trọng.

Gian lận là việc không nên làm, nhưng nếu phải làm thì hãy làm. Có thể không ai biết bạn trung thực như thế nào, nhưng học dốt thì có.