27 August 2013

[Fishlog#3] Đại sứ du lịch, dự thảo và chuyện công chức.

Standard
1. Tuần trước, tôi có dịp được cùng cô bạn của mình lượn quanh hồ Gươm ngắm gá..., lượn quanh hồ Gươm tìm kiếm tư liệu viết bài, thì bất chợt gặp được Ben - một anh chàng ngoại quốc.

 Ben, tên đầy đủ là... (gì chả nhớ) nhưng tên thường gọi là Ben Boyce - 24 tuổi, công dân mang quốc tịch Anh, nhà ở thủ đô London, tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, từng làm việc ở ngân hàng nhưng do kinh tế khó khăn nên anh đã chọn cách sống của một người vô gia cư bằng cách đi từ nước này sang nước khác. Việt Nam nằm ở giữa chuyến đi từ Cam-pu-chia sang Ma-lay-si-a của anh chàng này.

Trong buổi tối đầu tiên, tại hồ Gươm, khi chúng tôi đang tìm hiểu về con người của anh này thì một "quý cô" bán tạp hóa với dáng người điệu đà như là khuyết tật đi qua và hỏi xem chúng tôi mua gì đó không. Sau khi nhận được câu trả lời là "không" trong 2/3 người tại đó thì quý cô kia dẵm chân tôi một cái rồi bỏ đi làm cô bạn tôi phải cảm thấy xấu hổ sau đó. Rất may mà những người đến sau lịch sự hơn chứ nếu không chúng tôi phải chia tay anh này sớm mất.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục cùng Ben đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ở đây, tôi mới thấy được khả năng thuyết trình tuyệt vời của bạn mình sau khi cô ấy giới thiệu cho không chỉ Ben mà còn giới thiệu luôn cả với tôi về cách bố trí, ý nghĩa của các đồ vật được trưng bày. Tôi tin không chỉ tôi mà còn rất nhiều bạn khác tưởng rằng tôi đang đi cùng một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, mặc dù đôi lúc chúng tôi cảm thấy lúng túng và phải tra từ điển khá nhiều. Buổi tham quan có thể sẽ thành công hơn nếu như chúng tôi không bắt Ben xem một đoạn video dài 10 phút (thực ra là dài hơn vì chúng tôi vào xem khi nó chiếu gần hết) mà không có lấy nửa dòng phụ đề tiếng Anh. Sẽ thành công hơn nữa nếu như niềm háo hức khi được giới thiệu một số tấm gương anh hùng của bạn tôi cho Ben không bị dập tắt bởi câu "no English" từ Ben. Thế đấy, Ben phải trả tiền để được vào bảo tàng mà cuối cùng thu lại không bằng mấy người ra vào miễn phí như tôi. Một người vào để tìm hiểu lịch sử lại không được tạo điều kiện tiếp thu bằng mấy em vào để chụp ảnh check in trên Facebook. Buồn.

Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch đang đau đầu để đi tìm Đại sứ du lịch cho Việt Nam, hàng ngày, có khoảng 20 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (theo thống kê của Tổng cục Du lịch). Trong 20 nghìn du khách đó, không biết có bao nhiêu người gặp phải các "quý cô" bán hàng kiểu chặt chém, không biết bao nhiêu người phải gãi đầu gãi tai vì "no English" và trong số 20 nghìn lượt đó, có bao nhiêu người thề sống thề chết rằng sẽ không bao giờ đến Việt Nam một lần nữa. Nếu không nhờ may mắn gặp được những người như bạn tôi thì có lẽ sẽ còn nhiều người nữa phải kể lại với bạn bè mình về Việt Nam trong thái độ ngán ngẩm.

Tất nhiên bạn tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác đang cố gắng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra Thế giới, sẽ không được chọn làm đại sứ du lịch vì đơn giản ngực họ không to, chân họ không dài, họ không nổi tiếng, và hàng loạt cái không nữa mà những cô người mẫu xứng đáng hơn họ. Dù sao cũng là đại diện cho quốc gia mà.
Vũ Xuân Tiến sẽ không bao giờ được trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam

2. Và khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa biết nên chọn hot girl nào để làm Đại sứ du lịch thì Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải lại bắt tay nhau trong chiến dịch làm quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè Thế giới mà cụ thể hơn là cải thiện hình ảnh giao thông Việt Nam bằng việc quy định chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe để được cấp giấy phép lái xe.

Ngực lép không được phép lái xe?


Tuy nhiên nỗ lực của Bộ Giao thông và Bộ Y tế đã không được người dân chấp thuận vì nó khá là dở chừng. Nếu mà quy định như thế để làm đẹp hơn đường phố Việt Nam vì vòng ngực 72 là quá bé đối với phụ nữ và lực bóp tay lên đến 24 kg lại chẳng có giá trị gì (ai mà muốn nhìn các chị em cơ bắt cuồn cuộn như nam giới chứ, phụ nữ thì phải dịu dàng, duyên dáng mới đúng bản sắc). Còn nếu mà quy định như vậy để giảm bớt tai nạn giao thông thì lại càng vô lí vì chẳng có công trình nghiên cứu nào chỉ ra việc người nhỏ con sẽ dễ gây tai nạn cả. Thậm chí những người khỏe mạnh còn gây tai nạn nhiều hơn, mà là tai nạn nghiêm trọng chứ chả phải tai nạn vừa.

Thực tế thì chúng ta cũng chẳng lạ lẫm gì với các thông tư kiểu trên trời, thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính thực tế để rồi chẳng đâu vào đâu. Có thể nói như quy định cấm sử dụng điện thoại gần các cây xăng, không có cơ sở khoa học để chứng minh, thậm chí nhóm làm chương trình Mythbusters của đài Dicovery còn cho hẳn một chiếc điện thoại vào buồng chứa hơi xăng bão hòa rồi gọi điện mà nó cũng không thèm nổ nhưng cuối cùng quy định vẫn được đưa vào thực tế và vẫn chẳng có ai xử phạt và cũng chẳng có ai bị xử phạt. Còn vô số các quy định, dự thảo khác mà có lẽ chả cần kể tên thì mọi người vẫn tưởng tượng được ra ở trong đầu đi kèm với cụm từ "vớ vẩn".

3. Có lẽ biết được nhu cầu giải trí của người dân là rất lớn mà các bộ phim, các trận bóng, các chương trình ca nhạc,... vì lí do này hay lí do khác không đủ đáp ứng nhu cầu đó thì việc các thông tư, nghị định kiểu trên trời rơi xuống biết đâu lại được coi là một phần nào đó bù đắp lại sự thiếu vắng do các loại hình giải trí cũ gây ra. Với một số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; một số khác thì dốt đặc ngữ pháp tiếng Việt thì cái chuyện coi kịch như đời, coi đời như kịch âu cũng là lẽ thường.

Công chức?

Và khi người dân đã dần chán ngán với các văn bản hành chính "trời ơi đất hỡi" thì không biết đây được coi là một vở bi kịch hay một vở hài kịch nữa đây. Có lẽ là cả 2...

23 August 2013

23/8/2013

Standard
Có 3 câu chuyện muốn bày tỏ.

Chuyện 1:

Chuyện là có một số thứ muốn bày tỏ bằng cách "nói" mà chưa được nói, chưa nói được, nói chung là chưa nói nên đành định chuyển sang viết. Mà  "nói" thì nói với một người, còn viết thì viết cho nhiều người (đọc), phải viết sao cho người cần hiểu thì hiểu, người không cần hiểu thì không hiểu gì, âu cũng lại là cái khó.
Giờ mà viết thẳng toẹt ra thì người trong cuộc bảo mang chuyện riêng ra khoe thiên hạ, người ngoài cuộc cũng bảo mang chuyện riêng ra khoe thiên hạ, nói chung là cả 2 bên đều ghét. Còn ai không ghét thì sẽ phải nhảy vào khuyên. Người trong cuộc thấy mấy lời khuyên thật vô nghĩa, người ngoài cuộc thấy không còn cách nào tốt hơn là khuyên rồi người viết lại cảm thấy như mình bị thương hại, mà chẳng ai thích mình bị thương hại, chẳng ai muốn mình là kẻ ăn mày sự cảm thông.
Không viết thẳng toẹt ra thì chuyển sang viết vòng vo. Viết vòng vo thì người trong cuộc còn lại chưa chắc đã hiểu, mà giả sử có hiểu thì cũng chưa chắc đã tin là mình hiểu đúng, lại phải đoán. Mà người viết thì ghét phải đoán, ghét phải đoán ý người khác, ghét luôn việc để người khác (phải) đoán mình. Hoặc là biết, hoặc là không biết và cũng không phải biết nên chẳng cần đoán. Cứ thế cho gọn. Còn người ngoài thì họ đoán đúng, đoán sai cũng mặc kệ, chẳng liên quan, nhưng họ đoán không đúng, lại comment linh tinh thì cũng phiền. Gây xì căng đan cho thiên hạ đôi lúc cũng thú, nhưng tuyệt đối không phải vào lúc này.
Thôi thì chẳng viết nữa, nhịn chờ lúc nói vậy. Mà trong lúc nhịn chờ đến lúc nói thì cũng bồn chồn, khó chịu, rối rắm,... chẳng biết phải miêu tả thế nào. Nói chung là không được bình thường, vui vẻ gì cho lắm.
Thôi, cho tạm hết chuyện 1.

Chuyện 2:

Chính là cái câu chuyện được nhắc đến trong chuyện 1. Không biết có nên viết ra hay không và viết theo cách nào. Tốt hơn hết là không viết nữa.



22 August 2013

[Fishlog#2] Đằng sau thư viện.

Standard
Hồi còn đi học, tôi được một thầy giáo nói rằng một trong các tiêu chí đánh giá sinh viên của thầy là tần suất đến thư viện. Theo thầy thì các sinh viên tốt là các sinh viên thường xuyên đến thư viện. Điều này có nghĩa là những sinh viên đến thư viện thường học tập tốt hơn những sinh viên còn lại và dường như thư viện đã giúp sinh viên học tốt hơn. Vậy một vấn đề nảy ra là: có thực là thư viện giúp sinh viên học tốt hơn không? Tôi sẽ cùng các bạn thử tìm hiểu vấn đề này (trong bài viết này sẽ chỉ xét đến thư viện trong các ngôi trường đại học).

1. Thư viện có gì?

Cái này thì chắc ai đến thư viện sẽ biết thừa, còn ai chưa đến thì cũng đừng quá lo lắng, bạn sẽ sớm hình dung ra thôi. Tất cả các thư viện đều có sách, có khi là rất nhiều sách; những bộ bàn ghế, những người bạn đến học hoặc đọc sách, bầu không khí tương đối yên lặng với những tiếng nói chuyện thì thầm,... Không ồn ào, không chạy nhảy, không nói chuyện to, không đồ ăn, không chơi game, không bật nhạc ầm ĩ,... Nói chung thư viện là một nơi rất thích hợp cho việc học hoặc... ngủ.


2. Thư viện có NÊN là nơi giúp sinh viên học tốt hơn không?

Trong phần này, tôi sẽ không nói đến việc có hay không có lợi ích của việc lên thư viện mà muốn nói đến chuyện liệu thư viện có nên có những lợi ích đó không. Điều gì xảy ra nếu thư viện có/không có các lợi ích đối với việc học tập của sinh viên.

Do muốn nhìn nhận vấn đề trên góc nhìn kinh tế học, tôi sẽ tạm thời bỏ hết các yếu tố bên ngoài tác động đến vấn đề đang được thảo luận.

Giả sử việc lên thư viện đem lại lợi ích thực sự cho sinh viên. Nói dễ hiểu thì các sinh viên thường xuyên lên thư viện sẽ có được điều kiện học tốt hơn và có khả năng có điểm số cao hơn những sinh viên khác không lên thư viện. Điều này gây ra hai hệ quả.

Thứ nhất, không có trường đại học nào đủ điều kiện để xây dựng một thư viện đủ chỗ cho tất cả các sinh viên. Do đó nếu thư viện có lợi ích như thế và tất cả mọi người đều biết điều đó thì sẽ gây ra tình trạng quá tải ở các thư viện. Nhiều sinh viên sẽ không có chỗ, một số sinh viên sẽ chấp nhận đặt tiền để nhận chỗ và một số sinh viên khác đến sớm sẽ chấp nhận bán chỗ của mình để lấy tiền. Một vụ mua bán mà cả hai đều có lợi, tất nhiên nhà trường không thích điều này.

Thứ hai, đây là một điều thật vô lí vì việc lên thư viện, mượn sách gần như là miễn phí (nếu có phí thì cũng không đáng kể so với học phí của sinh viên đó), và cùng với một mức học phí, với các khoản đóng góp ngang nhau, những sinh viên có điều kiện lên thư viện  lại có được điều kiện học tốt hơn so với các sinh viên khác (ở đây nói rằng các sinh viên "có điều kiện" chứ không nói các sinh viên "thường xuyên lên" vì một số sinh viên có điều kiện nhưng không sử dụng và đó là lỗi của họ). Như thế là rất không công bằng, các sinh viên trọ gần sẽ chiếm ưu thế do họ có khả năng lên thư viện sớm. Các sinh viên trọ xa hoặc vì một lí do nào đó mà không có điều kiện lên thư viện (như phải đi làm thêm để trang trải chi phí học hành của mình chẳng hạn) sẽ gặp thiệt thòi. Điều này có thể khiến giá nhà trọ và cả giá cả các mặt hàng gần các trường đại học vốn đã đắt đỏ sẽ tiếp tục tăng lên. Và trong khi Nhà nước đang phải nỗ lực để hỗ trợ cho các sinh viên có điều kiện khó khăn có một điều kiện học tập đầy đủ và bình đẳng hơn thì có vẻ như cái thư viện đang phá hỏng tất cả. Các sinh viên nghèo sẽ càng ngày càng trở lên khó khăn hơn trong việc học tập của mình. 

Để giải quyết phần nào đó vấn đề này thì nhà trường nên mở rộng thư viện để đủ chỗ cho tất cả mọi người và hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính (để các bạn ấy không phải lo kiếm tiền nữa mà có thời gian lên thư viện học). Về khoản tài chính thì có thể hỗ trợ gián tiếp bằng việc thu xếp cho các bạn một chỗ trong kí túc xá với mức giá phải chăng và xây dựng căng - tin bán đồ ăn với giá ưu đãi chẳng hạn. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo việc nhiều bạn sẽ ồ ạt chuyển vào kí túc xá (vì những lợi ích của nó), và vấn đề về kí túc xá sẽ lại tương tự như vấn đề thư viện. Nhưng đó là chuyện của kí túc, mà chuyện của kí túc thì tôi sẽ nói sau. Dù sao thì quản lí kí túc xá cũng phần nào đơn giản hơn thư viện đôi chút.

Vậy điều gì xảy ra khi thư viện thực chất chẳng mang lại lợi ích nào? Tôi nghĩ các trường nên đập cái thư viện ấy đi và xây phòng chiếu phim chẳng hạn. Cũng thú vị ấy chứ.

3. Câu chuyện phía sau.

Không có một số liệu thống kê chính thông nhưng với các bạn mà tôi biết, tính một cách tổng thể thì điểm trung bình của những bạn thường xuyên lên thư viện cao hơn điểm trung bình của các bạn không lên thư viện một lần nào trong năm. Điều này có vẻ như khẳng định tầm quan trọng của thư viện tác động đến điểm số sinh viên.
Nhưng tôi cũng có bạn không lên thư viện một lần nào nhưng lại liên tục dành được học bổng và điểm phẩy có khi còn cao hơn cả các bạn thường xuyên lên thư viện. Cũng có bạn kì thường xuyên lên thư viện và kì không lên thư viện điểm số lại không khác mấy nhau. Thậm chí kì ở nhà học còn nhỉnh hơn chút đỉnh. Nói ra điều này thì có vẻ thư viện chả có giá trị gì cả?

Vậy sự thực thế nào?

Có hai mối quan hệ mà mọi người rất hay nhầm lẫn. Đó là mối quan hệ nhân - quả và mối quan hệ tương quan. Thoạt nhìn thì hai mối quan hệ này rất giống nhau: điều A xảy ra và điều B xảy ra. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở bản chất. Trong quan hệ nhân quả thì sự việc A xảy ra sẽ khiến sự việc B xảy ra, tuy nhiên trong mối quan hệ tương quan thì sự việc A và B xảy ra đều do một sự việc C nào đó xảy ra trước.

Giả sử thế này nhé. Ai cũng biết khi có sét thì sẽ có sấm, nhưng liệu sét có phải là nguyên nhân gây ra sấm? Có vẻ đúng đấy, nhưng thực tế lại không phải. Nguyên nhân sâu xa hơn là việc xuất hiện của các đám mây tích điện. Khi chúng tích điện đủ lớn thì như một quả bóng bị bơm hơi quá căng, nó sẽ phóng điện. Chính sự phóng điện đó gây ra sấm và sét và sấm và sét đều chỉ là kết quả của việc phóng điện giữa các đám mây mang điện tích với mặt đất. Nếu không có sự phóng điện đó, sẽ không có sét, (vẫn có thể có sấm khi các đám mây phóng điện với nhau, cái tia sáng hiện lên đó được gọi là chớp).

Quay lại chuyện cái thư viện, bản thân thư viện không phải là một môi trường học tập tốt, chí ít là nó không tốt hơn môi trường học ở nhà một cách hoàn toàn. Tuy nhiên những người đến thư viện chắc chắn là những người thích học và họ sẽ học (vì dù sao họ cũng không thể ngày này qua ngày khác lên thư viện ngủ trong khi mọi người học được), còn người ở nhà thì chưa chắc, có người học, có người toàn ngủ hoặc chơi. Mà chính cái sự thích học đó giúp họ dành được những điểm số cao hơn chứ không phải cái thư viện. Nói cách khác thì thư viện chỉ tập hợp những sinh viên tốt lại chứ nó hoàn toàn không đào tạo ra những sinh viên như thế. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các sinh viên lên thư viện không phải để học nữa mà để ngủ? Lúc đó thư viện sẽ không còn là một nơi thích hợp cho những người chăm học lui tới nữa và điểm số trung bình của các sinh viên thường xuyên lên thư viện sẽ giảm xuống. Lúc này, thư viện cũng không phải là nơi làm cho sinh viên dốt đi, nó chỉ đơn giản là nơi tập hợp của những sinh viên ham ngủ, tất nhiên là điểm số không bằng các sinh viên ham học.

Thư viện có tốt không? Có, nó tốt với những người thích học ở thư viện. Nó tốt với những người phù hợp với nó, còn với người khác thì không. Nói cách khác, thư viện mở ra một môi trường học mới cho những người thích học tập thể giúp người học có được nhiều sự lựa chọn hơn đối với phương pháp học của mình.

Vậy bạn thích học ở thư viện hay học ở nhà?

21 August 2013

[Fishlog#1] Cafe thứ 7: "Vì sao tôi chết?"

Standard
Vậy là sau 3 tháng gắn bó với các bài viết có tag [Cafe thứ 7] với hơn 10 bài viết được đăng ở cả Facebook Blogger, hôm nay tôi chính thức dừng, không viết các bài Cafe thứ 7 nữa.
Thực ra cái mục Cafe thứ 7 được lập ra khi tôi còn đi làm. Lúc đó, thứ 7 là ngày tôi chỉ phải làm một buổi sáng, tức là buổi chiều tôi được nghỉ, mà với thói quen là đã chơi phải chơi cả ngày nên thành ra chiều thứ 7 tôi chẳng còn việc gì làm. Thế là tôi viết blog.
Việc đặt tên là "Cà phê thứ 7" giúp tôi: Một là tuần nào cũng phải cố gắng viết, hai là phải cố gắng viết xong trong ngày thứ 7.
Sau này, khi tôi không còn đi làm nữa, thì chính cái "thứ 7" lại là một cái cản trở tôi, mặc dù tôi đã cố trấn an rằng "thứ 7" chỉ là cái tên, không mang tính minh họa cho các bài viết.
Thứ nhất, vì nhiều cái tôi muốn viết từ giữa tuần, nhưng phải để cuối tuần mới viết, mà không phải cái nào có cảm hứng từ giữa tuần, đến cuối tuần cảm hứng vẫn còn như thế. Thịt quay xong phát chén ngay, chứ để mấy ngày thịt nó mất vị ngon, viết blog cũng tương tự vậy. Chính vì cái lí do để mấy ngày thì không còn giữ được hương vị - cảm hứng nữa nên đến cuối tuần tôi phải viết như kiểu bò nhai rơm, chẳng có vị ngon gì cả, một số bài khác thì phải vất vả, vật vã đến chủ nhật mới xong, thậm chí là có tuần chả có bài nào. Viết không hứng khổ thế.
Thứ hai, một tuần thì chỉ có một ngày thứ 7, thế nên tôi cũng tự hạn chế khả năng của mình bằng viết mỗi tuần đúng một bài, không hơn. Thế là nhiều khi có nhiều chủ đề để viết chẳng hạn, tôi lại chẳng biết chọn chủ đề nào. Thế nên thật là nực cười tôi rơi vào tình cảnh con bò chết đói giữa hai đống cỏ. Hoặc nhẹ nhàng hơn là tôi chọn một đống cỏ để ăn nhưng "đứng núi này trông núi nọ" nên không ăn no được. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu tôi chuẩn bị một cái dạ dày to hơn để ăn đống cỏ này xong nhảy sang đống cỏ kia ăn tiếp.
Thứ ba, ngày thứ 7 và cả chủ nhật nữa, nói chung là những ngày cuối tuần là những ngày để tôi được tụ tập bạn bè, được đi chơi hoặc về quê. Mà tất cả những hoạt động đó đều làm tôi không thể nào có thời gian và cảm hứng viết được. Thế nên có lẽ tốt hơn nếu như tôi có thể viết vào tất cả mọi ngày và không phụ thuộc vào thứ 7 hay chủ nhật gì nữa.
Sau 2 tuần không thể viết được gì chỉ vì cái lí do thứ 7, hôm nay theo gợi ý của một bạn trên Facebook, tôi sẽ đổi tên các bài viết của mình thành Fishlog. "Đu đồ đút" có Đulog, Joe Dâu Tây có Faceblog, vậy nên Fishlog có vẻ là cái tên hợp với biệt danh của tôi - Cá Khô.

Với việc đổi tên này thì việc viết blog của tôi cũng sẽ có sự thay đổi:
+ Một là: Thời gian đăng bài của tôi có thể là bất kì ngày nào trong tuần.
+ Hai là: Tần suất đăng bài có thể nhiều hơn 1 bài/tuần
+ Ba là: Nội dung các bài sẽ rộng hơn, đôi khi một bài viết sẽ ngắn hơn, cô đọng và dễ đọc hơn (do viết thành nhiều bài mà).
Tuy nhiên, cũng có thể tôi sẽ không viết thêm bài nào nữa.
Chờ Fishlog#2...

03 August 2013

[Cafe thứ 7] Chọn chuyên ngành

Standard
Lời đầu tiên tôi xin gửi lời chúc mừng đến các bạn tân sinh viên - các bạn đã/đang/sẽ đọc blog này.

Mấy ngày hôm trước, tôi có đăng lên Facebook một cái status nói về việc chọn chuyên ngành của các bạn tân sinh viên và được anh Hoàng Trung - nguyên admin của diễn đàn Sinh viên Kinh tế Quốc dân - giao phó cho nhiệm vụ viết một bài để đăng lên forum của anh ấy. Đó chính là lý do để hôm nay tôi ngồi đây để viết bài này.

Sau khi chắc một suất trên giảng đường đại học, nhiều bạn sẽ phải bắt đầu lo cho việc lựa chọn chuyên ngành của mình. Việc chọn chuyên ngành có thể không căng thẳng như việc chọn trường thi đại học vì chắc chắn các bạn đã được học, nhưng vì nó liên quan trực tiếp đến việc học gì, làm gì sau này nên cũng khiến không ít bạn phải đắn đo suy nghĩ.

Cách thức để đăng kí chọn chuyên ngành của mỗi trường một khác. Với đa số các trường thì khi thi đại học, các bạn phải đăng kí ngành học của mình. Sau khi đã đỗ, khi làm thủ tục đăng kí nhập học, các bạn sẽ phải điền vào phiếu đăng kí để chọn chuyên ngành trong ngành học mình đã đăng kí. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó để phân các bạn vào từng chuyên ngành cụ thể theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Với một số trường khác như Bách khoa hay Kinh tế quốc dân, việc chọn chuyên ngành sẽ diễn ra sau khi sinh viên nhập trường và học được một vài kì (tất nhiên trong những kì đó, các bạn sẽ chỉ học những môn đại cương mà chuyên ngành nào cũng phải học). Dù có những cách để phân chuyên ngành khác nhau thì tất cả đều tựu chung lại những điểm giống nhau: Sinh viên đăng kí và nhà trường dựa vào điểm số để phân chuyên ngành.

Quan hệ giữa số sinh viên đăng kí vào một chuyên ngành và chỉ tiêu đào tạo của chuyên ngành đó cũng giống như quan hệ cung - cầu hay nói đơn giản hơn là quan hệ giữa số cá nhập vào và số cá có thể bán ra trong một cửa hàng cá nào đó. Để bán vừa hết số cá mà không để bất kì khách hàng nào muốn mua, định mua phải chuyển sang hàng khác là điều không thể, hoặc là thừa, hoặc là thiếu, trường hợp vừa đủ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của một người thích mơ mộng nào đó mà thôi. Việc phân chuyên ngành cũng tương tự, sẽ có chuyên ngành có số đăng kí vượt chỉ tiêu, sẽ có chuyên ngành không đủ chỉ tiêu đã đăng kí. Và vì điểm số là tiêu chí duy nhất để phân chuyên ngành nên sẽ có chuyên ngành điểm cao, chuyên ngành điểm thấp, thậm chí có chuyên ngành chỉ lấy đúng điểm sàn vào ngành. Điều này dễ dẫn đến hệ quả là một sự ngộ nhận chuyên ngành này tốt, chuyên ngành kia kém; chuyên ngành này "hot", chuyên ngành kia "cold"; chuyên ngành này dành cho người giỏi, chuyên ngành kia dành cho kẻ kém giỏi hơn. Sự ngộ nhận này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia và có thể kéo dài trong nhiều thế hệ.

Thực chất, trong một trường thì cũng có những chuyên ngành được đánh giá cao hơn các chuyên ngành khác trong cùng ngành thật, nhưng sự "cao hơn" này cũng không thực sự đáng kể vì các môn học trong cùng một ngành không khác mấy gì nhau, nếu khác nhau thì chủ yếu nằm ở các môn chuyên ngành, chuyên ngành này học kĩ, chuyên ngành kia học ít hơn thôi, ngoài ra mọi thứ vẫn gần giống nhau cả. Mà việc so sánh giữa hai chuyên ngành với nhau nhiều khi cũng không chính xác. Để so sánh giữa hai chuyên ngành với nhau thì phải dựa vào rất nhiều tiêu chí và phải mang người giỏi nhất của chuyên ngành này để so sánh với người giỏi nhất của chuyên ngành kia. Không nên mang những người dốt ra so với nhau vì họ chẳng đại diện cho cái gì cả. Họ đâu có tiếp thu được hết các kiến thức được truyền đạt. Còn những người giỏi thì chủ yếu do nỗ lực của họ, chuyên ngành họ học cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Mà sau khi ra trường, mặc dù học ở bất kì chuyên ngành nào thì trên bằng cũng chỉ ghi tên ngành mà thôi. Và dù bảng điểm có khác nhau một chút nhưng phẩy các môn cứ cao là tốt hết. Với lại chẳng ai đi tuyển dụng mà chỉ để ý đến mỗi bảng điểm, đi chi tiết vào từng môn trong bảng điểm để xem chuyên ngành nào, chuyên ngành đó ra sao thì còn ít hơn.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là việc chọn chuyên ngành không quan trọng. Việc chọn chuyên ngành vẫn rất quan trọng vì bạn có thể là một sinh viên giỏi ở chuyên ngành này nhưng chuyên ngành khác thì không, hoặc chí ít bạn có thể đạt bằng khá "cứng" ở chuyên ngành này nhưng học chuyên ngành khác lại chỉ được khá "mềm" hoặc thậm chí chỉ hơn trung bình một chút. Vấn đề ở đây không nằm ở chất lượng giảng dạy mà nằm ở sự phù hợp với mục tiêu và tính cách người học.

Tính cách của người học quyết định rất lớn đến công việc và thành công của người đó trong tương lai. Giả sử như một người có tính cách hướng nội, ít nói, tỉ mỉ, cẩn thận sẽ phù hợp với kế toán hơn một người hướng ngoại, nói nhiều, ưa hoạt động - một người thích hợp với việc kinh doanh, quan hệ khách hàng hơn. Sẽ rất tệ nếu bắt một người ít nói đi quan hệ khách hàng và cũng tệ không kém nếu bắt một người ưa hoạt động đi làm kế toán. Mặc dù họ đều là những người rất giỏi nhưng sự không phù hợp với công việc có thể đánh cắp năng lực thực sự của mỗi người.

Sự khác biệt về tính cách dẫn đến sự khác biệt về nghề nghiệp mong muốn và mục tiêu cụ thể của mỗi người. Dù rằng sau khi ra trường, đặc biệt với các sinh viên khối kinh tế thì việc làm trái ngành, trái nghề là chuyện không hiếm. Tuy nhiên những người làm trái ngành chắc chắn không thể tốt bằng việc làm đúng chuyên ngành của mình và muốn làm trái ngành được thì người học phải học thêm nhiều thứ, đồng thời phải bỏ bớt một phần (hoặc toàn bộ) kiến thức chuyên ngành ra khỏi bộ não của mình. Như thế thì có vẻ như việc học chuyên ngành ở trường đại học đã trở nên lãng phí. Tốt hơn hết là xác định thứ mình cần ngay từ trước và cố gắng theo đuổi nó, dù sao thì đi theo đường thẳng cũng tốt hơn là đi theo đường vòng. Vấn đề ở đây không phải là xã hội đánh giá sao về bạn và về sự phù hợp với nghề nghiệp của bạn (như những thứ được ghi ở tấm bằng hay bảng điểm ở trên), mà vấn đề ở chỗ bên trong bạn có gì, có thực sự phù hợp với công việc mình theo đuổi hay không.

Việc ngộ nhận về chất lượng và khả năng nghề nghiệp của các chuyên ngành thông qua điểm số như trên khiến nhiều người bỏ qua hết những yếu tố cá nhân để chọn ngành để rồi sau đó không ít người phải té ngửa ra cái mình đang theo học không phải là cái phù hợp với mình. Nhiều người trong đó kêu chán nản, học một cách thụ động rồi quên mọi thứ chỉ sau bài thi hết môn chưa quá 2 tuần. Mặc dù trong số những người như thế, vẫn có những người điểm cao thật ấy, nhưng những kiến thức học được có phục vụ gì cho công việc sau này hay không thì lại là chuyện khác. Hãy luôn nhớ rằng xin được việc đã khó, làm và bám trụ lại được với công việc còn khó hơn gấp nhiều lần. Mà để bám trụ được với công việc thì cần nhiều ở kiến thức thực sự, cần nhiều ở cả tính cách con người và nhiều, rất nhiều yếu tố khác. Vậy nên quên mấy cái chuyên ngành "hot" đi, chẳng ai quan tâm đến nó đâu, rồi chính bạn cũng chẳng quan tâm đến nó đâu. Một chuyên ngành chỉ thực sự tốt khi nó phù hợp với bạn và ngược lại, bạn cũng chỉ tốt khi ở trong chuyên ngành thực sự phù hợp với mình.

Mấy ngày nay thấy nhiều bạn hỏi các anh chị khóa trên xem nên chọn chuyên ngành nào, chuyên ngành nào tốt hơn và câu trả lời nhận được thường là chọn chuyên ngành này vì bạn đủ điểm, bỏ chuyên ngành kia vì điểm nó cao. Nói trắng ra thì những lời khuyên đó đều rất vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm vì không ai thèm tìm hiểu bạn là ai, bạn có hợp với chuyên ngành đó, hợp với công việc chuyên ngành đó đào tạo hay không. Vô trách nhiệm vì chẳng ai phải chịu trách nhiệm nếu họ đưa cho bạn một sự lựa chọn sai lầm. Mọi hậu quả về sau sẽ đều do chính bạn tự gánh chịu mà thôi. Vì vậy, thay vì đưa ra những câu hỏi đóng kiểu nên chọn A hay không, chọn B tốt hay chọn C tốt thì bạn hãy tự tìm hiểu xem công việc sau khi học ra là làm gì, chuyên ngành bạn đào tạo cái gì và có phù hợp với mình không rồi tự đưa ra quyết định thay vì đặt sự lựa chọn của mình cho người khác.

Nói vậy không có nghĩa điểm số không quan trọng. Nếu điểm bạn cao bạn có quyền; điểm bạn thấp, bạn sẽ ít quyền hơn. Tuy nhiên hãy ưu tiên sự phù hợp với bản thân mình trước khi nghĩ đến điểm số.

Lời kết:


Vẫn biết việc định hướng ngành nghề, định hướng công việc phải được thực hiện cách đây nhiều tháng, trước khi bắt đầu đăng kí hồ sơ thi đại học, nhưng thà muộn còn hơn không. Hi vọng rằng các sinh viên mới sẽ không đặt cuộc sống mình vào tay người khác, không đặt tương lai của mình vào một canh bạc chỉ vì tin rằng người khác sẽ nói đúng.

Bản thân người viết và bản thân bài này cũng có một sự vô tâm. Người viết sẽ không chịu bất kì trách nhiệm gì về tương lai của ai đó sau khi đọc xong bài này. Thế nên cũng đừng coi những gì được nói đến trong bài viết này là hoàn toàn đúng đắn. Đây chỉ là một quan điểm, đúng hay sai còn phụ thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Đừng nghe đám đông xui dại, đừng nghe bất kì ai xui dại, mỗi người nên tự đánh giá lại, tự có những sự lựa chọn của chính mình. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về tương lai của mình, ngoài ra thì không còn ai cả.

Cuối cùng, chúc các bạn đã/đang/sẽ xác định được mục tiêu của mình có thể vững tay lái để đưa con tàu của mình cán đích. Còn những bạn đang loay hoay tìm kiếm mục tiêu của mình thì tôi xin tặng một câu trong câu chuyện "Lạc vào xứ xở thần tiên": "Nếu không biết mình cần đến đâu thì đi đường nào cũng có quan trọng gì". Chúc các bạn sẽ có được những trải nghiệm riêng và tìm được con đường mình cần hướng đến sớm nhất có thể.