Bắt đầu từ những sự lựa chọn



Hè vừa rồi tôi có ôn cho 2 đứa em để tham dự kì thi THPT Quốc gia. 2 đứa này có những hoàn cảnh khác nhau nên mục đích ôn thi của chúng nó cũng hoàn toàn khác nhau.
Đứa thứ nhất sinh ra ở nông thôn, gia đình không đến mức thiếu thốn nhưng cũng không phải là gia đình quá khá giả. Nó học hành cũng chẳng tốt, tâm lý lại có dấu hiệu không ổn. Trong năm, nó thường xuyên kêu mệt mỏi, có những khi nó bảo cần một bác sĩ tâm lý. Nhiều khi nó khóc lóc rằng chưa chắc nó đã tốt nghiệp. Mọi người và chính nó cũng chỉ mong nó đủ điểm để có một tấm bằng cấp 3, sau đó nó sẽ đi làm giày da rồi kiếm cho mình một tấm chồng như chị nó hơn nó 4 tuổi. Kể cả khi nó học hành giỏi giang và đỗ vào một trường đại học nào đó thì cho nó tiếp tục đi học cũng là một gánh nặng không nhỏ với gia đình nó. Con đường học hành với nó đã kết thúc, nó không còn con đường khác ngoại trừ đi làm, tự mạnh mẽ và tự trưởng thành hơn.
Đứa thứ hai thì khác, nó sống ở thành phố, nhà nó cũng không quá giàu có, nhưng chí ít đủ để thuê riêng cho nó một gia sư, cho nó đi học thêm đây đó để có thể thi đại học, sau đó sẽ tiếp tục lo được cho nó học đại học, chỉ là không lo cho nó cả đời được thôi. Nó cũng không phải là một đứa học giỏi, nhưng nó học khá và rất chăm. Dù chưa biết điểm thi nhưng với sức học của nó, tôi tin nó sẽ đủ điểm để vào khá nhiều trường đại học, không thì ít nhất cũng đủ điểm vào cao đẳng, nếu thích, nó có thể học nghề hoặc đi làm ngay. Có rất nhiều con đường dành cho nó.
Nhiều con đường là một chuyện, chọn đúng đường lại là chuyện khác. Có lần tôi hỏi xem tại sao nó chọn trường đó, nó trả lời vì sau khi học trường đó ra, sẽ có người giúp nó xin việc. Thế ấy, nó đăng kí học vì sẽ có người giúp nó xin việc, còn ngành học đó, công việc sau đó có thích hợp với tích cách, khả năng của nó hay không thì không ai thèm biết.
Ngày tôi đi học, tôi được biết khá nhiều người chọn trường vì trường này lấy điểm cao, chọn ngành vì ngành này "hot", thậm chí có người còn chê cười khóa dưới vì điểm chuẩn khóa dưới thấp, làm mất mặt họ (?!). Không mấy người thực sự có định hướng cho mình, không mấy người hiểu được mình sắp học cái gì, cái đó phù hợp với mình không ngay khi mới bước chân vào trường học. Trong khi phần đông đang mải chạy đua về điểm số thì một số ít này biết được khả năng của mình, họ dành thời gian tìm hiểu về những ngành học, về công việc của mình sau này nên dù có điểm thi đại học chẳng bằng nhiều người trong phần đông kia, họ vẫn có những điểm số trên trường đại học tốt hơn hẳn, có được những mục tiêu, động lực học tập và rèn luyện rõ ràng hơn hẳn và tất nhiên có những công việc tốt hơn khi ra trường. Phần đông vẫn nhìn thấy tương lai, triển vọng của nghề nghiệp, nhưng phù hợp với bản thân mình không thì không chắc. Ra đời, làm việc không thể chỉ dựa vào điểm số mấy môn Toán, Lí, Hóa mà xong.
Gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, nếu kể đến những cử nhân, thạc sĩ đang làm không đúng chuyên môn được đào tạo thì con số này còn lớn hơn nữa. Nhưng điều đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người có chuyên môn còn đang cao hơn tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người không có bằng cấp.
Mà có thể (có thể thôi) tất cả bắt đầu từ những sự lựa chọn.

Phong trào và đồng tính




Cách đây mấy năm, khi cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long đang đến giai đoạn cao trào, nhiều cơ quan, đoàn thể, trường học bắt nhân viên mình phải tham gia. Trường tôi cũng không ngoại lệ, Hội Sinh Viên huy động tất cả các sinh viên tham gia và cũng nhận được không ít sự hưởng ứng, nhưng không phải từ tôi. 

Với những thông tin thôi thu thập được, tôi cho rằng tính pháp lý của công ty tổ chức có vấn đề, tôi cho rằng chúng tôi đã bị truyền thông bưng bít khi cố tình dịch từ Corporation (doanh nghiệp tư nhân) thành "Tổ chức", tôi cho rằng có ai đó đang trục lợi từ những tin nhắn của chúng tôi (dù số tiền 1 tin nhắn không nhiều nhưng với số lượng đủ để đưa Vịnh Hạ Long đứng top 7 những nơi được nhiều người ủng hộ nhất thì hẳn cũng không ít)... Với tất cả lý lẽ của mình, tôi đã làm một bạn trong Hội Sinh Viên cứng họng.Không biết nói gì, bạn ấy lôi lý do cấp trên bảo thế rồi bắt đầu nói đến lòng yêu nước, công ơn của Đảng, Nhà nước,... Không cần biết trong cuộc tranh cãi trên ai đúng, ai sai nhưng rõ ràng bạn kia đã không hiểu hết vấn đề và chỉ hưởng ứng theo "phong trào" nên mới đuối lý như vậy.

Tuy nhiên đó không phải là lần duy nhất tôi nhìn thấy biểu hiện của bệnh "phong trào". Các lần khác có thể kể đến như những người mặc áo "Tôi yêu Hà Nội" xả rác xuống Hồ Gươm trong dịp đại lễ hoặc những người hưởng ứng "giờ Trái Đất" bằng việc tụ tập đốt nến và vứt giấy rác ra đường,...

Gần đây, do sự phát triển của mạng xã hội, các phong trào càng dễ được hình thành và có tính lan truyền mạnh mẽ hơn. Bên cạnh một số ít phong trào có thể truyền đi được cả biểu hiện và ý nghĩa thì đa phần các phong trào lại bị biến tướng mất hết phần ý nghĩa hoặc vốn chẳng có ý nghĩa gì. Có thể kể đến như phong trào dội nước đá gây quỹ giúp đỡ nạn nhân teo cơ ALS trở thành một trò vui khi nhiều người dội nước xong và không làm từ thiện (mặc dù rất đúng luật) hay Kiss Cam từ một phong trào gắn kết mọi người ở phương Tây trở thành một trò chơi phản cảm, hoặc phong trào chạm tay vào rốn không biết để chứng minh eo thon hay tay dài (chí ít trò này không gây hại đến ai nên cũng không đến mức phải phản đối).

Hôm nay, có người bạn hỏi tôi sao không thay avatar để bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBT. Thực sự thì việc thay avatar hay nói một hai câu ủng hộ thì rất dễ, nhưng liệu nếu quen một người LGBT thì mình có đối xử với họ như một người bình thường được hay không hoặc trong trường hợp éo le hơn là một người thân của mình là LGBT và đang bị phản đối thì mình có dám đứng ra bênh vực, bảo vệ, đó mới là chuyện đáng bàn.

Tham gia phong trào thay avatar để ủng hộ cộng đồng LGBT không phải là điều gì không tốt, nhưng một khi đã tham gia thì đừng chỉ vì hai chữ "phong trào". Hãy tham gia bằng chính trái tim của mình, bản thân mình muốn thế!

Mà bản thân mình muốn thế hay không thì phải vào trong hoàn cảnh cụ thể mới biết được...

Hà Nội

22:43 Posted by Duy Trung , No comments

Hà Nội, nơi mang theo những ước mơ, những kì vọng của bản thân, của gia đình. Đến bây giờ phần nhiều vẫn còn đang dang dở.
Hà Nội, nơi bắt đầu cuộc khủng hoảng đầu tiên, nơi niềm tin vào bản thân bị sụp đổ, nơi chứa đựng những tháng ngày vụn vỡ - những tháng ngày tưởng không thể vượt qua.
Hà Nội, có một bóng hình cô độc, không nơi đến cũng chẳng biết nơi đi, lạc bước chân giữa phố phường ồn ã, những con phố từ lạ bỗng trở thành thân quen.
Rồi từ đó ta tìm thấy một thú vui, một thú vui nhẹ nhàng, lặng lẽ. Ta nhìn thấy nhiều điều mới mẻ trong những quán sách quen, quán trà đá ở ven đường.
Hà Nội, nơi ta tìm cho mình những người bạn, những người không phải lúc nào cũng ở bên, nhưng lúc ta cần thì lại luôn có mặt. Một cốc trà đá, một tách cà phê, một chén rượu mà đôi lúc chỉ là ít nước lọc cũng đủ khiến bao chuyện được giãi bày.
Hà Nội, cũng nơi đó ta tìm được tình yêu. Một thứ tình cảm nếu có nhiều điều để nói, nhưng lại rất khó dùng từ gì miêu tả, một thứ tình cảm khiến cho mọi lý lẽ của lý trí đều trở nên thừa thãi và ngu ngốc. Bao chuyện qua và rồi vẫn muốn ở bên nhau.
...
Hà Nội, 6 năm tao ở lại cùng mày, tao chưa bao giờ nói yêu mày mà thật ra tao cũng chẳng thể yêu nổi. Nhưng nếu ai đó hỏi tao có nhớ mày không thì tao sẽ trả lời rằng: Rồi một ngày nào đó, tao sẽ nhớ mày nhiều đấy!