14 July 2019

Ánh mắt

Standard
Hồi cấp 2, tôi có thích một bạn nữ, và bạn ấy cũng thích tôi. Hai cảm giác thích một người và được một người thích đều rất tuyệt. Tuyệt vời hơn là người thích mình cũng là người mình thích.

Trong suốt những năm học với nhau, chúng tôi chẳng bao giờ nói với nhau điều ấy. Phần vì ngại, phần vì có nói với nhau thì cũng thế. Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau một cách bình thường, vẫn tham gia các hoạt động tập thể. Chứ cũng chẳng tình tứ hoặc đi đâu cũng có cặp như những cô cậu bây giờ.

Dù không nói nhưng tôi vẫn hiểu được tình cảm bạn nữ kia dành cho mình, thông qua ánh mắt.
Ánh mắt bạn ấy có một sức hút đặc biệt với tôi. Giữa một rừng người, tôi vẫn luôn tìm được ánh mắt ấy. Chúng tôi nhìn thấy nhau, cười với nhau, tất cả qua ánh mắt đấy. Ánh mắt đôi khi kể những câu chuyện ngắn, không bằng ngôn từ mà chỉ chúng tôi mới hiểu.

Tạo hoá ban cho con người đôi mắt có lòng trắng lớn giúp chúng ta không phải quay đầu theo đối tượng. Đồng thời nó cũng giúp con người truyền tải nhiều thông tin hơn là lời nói. Lo lắng, sợ hãi, vui vẻ, tưởng tượng, hồi tưởng,... đều bộc lộ bằng ánh mắt. Tất nhiên, tôi không phải chuyên gia để nhận ra những điều đó. Tôi chỉ biết rằng nếu trong câu chuyện vui của tập thể, người nào đưa mắt về phía mình thì có thể người đó đã thích mình.

Sau này, dù gặp nhiều cô gái nhưng ánh mắt thân thương như ngày nào thì không mấy khi bắt gặp. Chúng tôi có thể buông ra một số câu thả thính, tán tỉnh. Nhưng ánh mắt lại không chứa một thông điệp tình cảm nào. Có thể vì mấy câu tình cảm chỉ là mấy câu bông đùa, họ không thích tôi nhiều như những gì họ nói. Cũng có thể vì tôi còn chẳng nhìn vào mắt họ để nhận ra những thông điệp ấy. Hay là tôi thiếu tinh tế đến mức chẳng nhận ra. Sao cũng được.

Gần đây, tôi có giao tiếp bằng mắt nhiều hơn với một cô gái và cũng nhận lại một số tín hiệu đáp lại. Tiếc rằng có thể chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau nữa.

Và ánh mắt cuối cùng trước lúc rời đi ấy, có phải dành cho tôi. Hay là sự tiếc nuối mà tôi cũng chỉ là một phần trong đó.


05 May 2019

5/5/2019

Standard




Thành quả lớn nhì sau 2 tháng rưỡi quay lại Hà Nội là set up được một góc làm-việc-kiêm-giải-trí-tổng-hợp đủ để khi ngồi vào, không bị stress bởi những thứ linh tinh.
Thằng bạn bảo "nếu có một cái bàn lớn hơn thì mày cũng vẫn cảm thấy chật chội thôi", nên cứ thế mà tận hưởng cái bàn nhỏ của mình.
Cuộc sống một mình có cái hay là không bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn của người khác.
Làm việc trên một cái bàn vừa đủ dùng; ăn những món nấu bởi một tay bếp kém hoặc vác xe ra ngoài ăn những bữa kém ngon hơn cả tự nấu; không đi xem phim, không đến các trung tâm thương mại, không tham gia vào các sự kiện đông người... tất cả đều chả sao nếu như ta ở một mình và tận hưởng cuộc sống một mình đó.
Hôm trước, con em bảo nó khoe với bạn bè là nó có một ông anh tâm lý. Chả biết "tâm lý" ở đâu khi "người khác" vẫn là một điều gì đó vô cùng khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi không tiếp xúc với nhau trực tiếp. Mà phần lớn những mối quan hệ ngoài công việc lại chỉ tiếp xúc gián tiếp qua những avatar khi vui-sướng-giận-buồn đều chả đổi sắc màu.
Mặc dù không phải kẻ cuồng cuộc sống độc thân, cũng không phải kẻ có trái tim sắt đá, không biết rung động là gì, nhưng việc chấp nhận một người con gái bước vào cuộc sống của mình vẫn là một điều rất khó khăn. Tìm được người con gái đủ dũng cảm để dấn thân, đủ kiên nhẫn để vượt qua khó khăn đó còn khó hơn nhiều lần.
Ơ mà con trai thì nên chủ động. Có lẽ ở thời điểm này, niềm hạnh phúc khi có người con gái đồng hành cùng chưa đủ hấp dẫn để kéo gã lười ra khỏi sự lười biếng nên gã vẫn mặc kệ những thứ tình cảm nhẹ trôi.
Buổi sáng chủ nhật ở nhà dọn nhà. Đâu đó văng vẳng câu hát của Đen Vâu: "Tay trái ôm mơ, phải ôm rác, tay đâu mà nắm lấy tay người".

09 January 2019

Lỗi thuộc về ai?

Standard

Hôm qua, xem xong bóng đá thấy Việt Nam thua nhưng đá vẫn hay nên chui vào chăn ngủ ngon lành. Hôm nay mới tá hoả nhiều người chê Văn Lâm bắt quả sút phạt ghê thế.
Với kinh nghiệm 10 năm xem bóng đá, 8 năm làm huấn luyện viên FIFA Online, 4 năm làm huấn luyện viên Football Manager, từng 7 lần đưa MU vô địch Ngoại hạng Anh, dành 6 chiếc cup C1 và hàng tá danh hiệu cao quý khác, Trung khẳng định tình huống đó Lâm không có lỗi. Nếu Lâm đứng chếch sang phải (theo hướng sút) thì thằng kia lại sút vào góc trái thôi. Mà nó sút vào góc chết thì chỉ có đứng ngay dưới cột dọc rồi nhảy lên mới bắt được.
Phải tìm ra một người mắc lỗi.
Tìm một người để đổ lỗi là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thừa nhận đối phương làm tốt tức là đi ngược lại với truyền thống này. Không thể vì thằng sút là cầu thủ sút phạt rất hay, hiện đang thi đấu ở Ý mà hủy hoại đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc được.
Tìm một người đổ lỗi, tất nhiên không thể giúp đội tuyển của chúng ta thi đấu tốt hơn. Việc ấy là việc của ông Park. Mà ông Park chắc không rảnh để dùng Google translate đọc hết các comment của "người hâm mộ" Việt Nam trên các trang mạng rồi.
Tìm một người đổ lỗi là để giúp hàng triệu con người có một mục tiêu rõ ràng để chửi, tránh chửi lan sang cầu thủ khác. Cũng là để giúp các cầu thủ còn lại không vì áp lực mà thi đấu tệ đi. Âu cũng là tinh thần một người vì mọi người được ghi trong sách giáo khoa đạo đức.
Nhưng lỗi thuộc về ai?
Sau khi mất cả buổi để xem replay, xem các thông số trên các trang quốc tế uy tín như Google hay Facebook, cũng như tham khảo bình luận chuyên sâu của các nhà báo Việt Nam tại Kênh 14, Zing, 24h, Trung rút ra kết luận: Lỗi thuộc về cái gôn.
Cả trận đấu có 5 bàn thắng, riêng cái gôn ấy một mình hứng 4 bàn. Lỗi không thuộc về nó thì thuộc về ai.
Đề nghị ban tổ chức chuẩn bị những cái gôn tốt hơn, không thì cho đổi sân, đổi luôn cả gôn mang theo cũng được. Chứ thế này, cản bước đội tuyển Việt Nam vô địch World Cup quá.